Để hoạt động của các bảo tàng ngày càng chuyên nghiệp, phát triển, phù hợp với xu thế xã hội hiện đại, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM, Sở VH-TT-DL TPHCM vừa chủ trì buổi tọa đàm “Bảo tàng và các hoạt động dịch vụ bổ trợ”. Hầu hết ý kiến các đại biểu đều cho rằng, hoạt động dịch vụ bổ trợ cho bảo tàng là hết sức cần thiết...
Phù hợp với xu thế hiện đại
Ngày nay, công chúng trong và ngoài nước đến với bảo tàng, ngoài mục đích nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa nghệ thuật họ còn có nhu cầu khám phá, gặp gỡ, thư giãn, vui chơi giải trí, mua sắm hàng lưu niệm… đó là những nhu cầu thiết yếu và chính đáng. Vì thế, trong quan niệm bảo tàng hiện đại, các chức năng của bảo tàng cũng dần được bổ sung những vai trò mới, cung cấp các hoạt động dịch vụ để phục vụ khách tham quan. Luật Di sản văn hóa được sửa đổi bổ sung năm 2009 ở Điều 48 đã bổ sung khoản 7, quy định nhiệm vụ của bảo tàng là “tổ chức hoạt động dịch vụ phục vụ khách tham quan phù hợp với nhiệm vụ của bảo tàng”.
Ở nhiều nước trên thế giới, các hoạt động dịch vụ tại bảo tàng rất phổ biến, đặc biệt là ở nhiều nước phát triển như Mỹ, Pháp, Anh, Hà Lan, Ý… hay những quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… Hoạt động dịch vụ trong các bảo tàng nói chung đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần không nhỏ trong việc phát huy tác dụng và duy trì hoạt động đối với các bảo tàng đồng thời tạo ra những nguồn thu chính đáng.
Trước đây ở nước ta, khái niệm “dịch vụ” chưa được đề cập trong hoạt động của các bảo tàng, hoặc nếu có thì thường là lối nghĩ hết sức đơn giản và phiến diện – một cách bán hàng kiếm tiền. Để thu hút khách tham quan đến với bảo tàng, ngoài nghiệp vụ chuyên môn, các dịch vụ của bảo tàng đóng vai trò không kém phần quan trọng. Tùy theo bảo tàng mà chúng ta có thể có những dịch vụ, hàng hóa phù hợp, vừa gắn với nội dung vừa mang ý nghĩa giáo dục. “Chẳng hạn bảo tàng dân tộc học nên chuyên về các mặt hàng đặc trưng nghệ thuật truyền thống, dân gian; bảo tàng nghệ thuật nên khai thác thế mạnh đồ gỗ, đồ trang trí, đồ gia dụng; bảo tàng tự nhiên thì nên có mặt hàng đá quý, hóa thạch, khoáng vật”, TS Lê Thị Minh Lý, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL phát biểu.
“Không chỉ đơn thuần là bán hàng lưu niệm, kinh doanh ăn uống hợp lý, các bảo tàng còn có thể là nơi tổ chức sinh hoạt truyền thống, các chương trình về nguồn, trưng bày chuyên đề theo yêu cầu của các cơ quan đơn vị, trình diễn nghệ thuật, chế tác, làng nghề, lễ hội, sự kiện, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc”, bà Hồ Việt Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ bày tỏ. Đại diện các bảo tàng khác cũng đồng tình với quan điểm này. Theo các đại biểu, việc tổ chức hoạt động dịch vụ tại bảo tàng sẽ góp phần quảng bá truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc đối với khách quốc tế, là cách tuyên truyền giáo dục hiệu quả cho các tầng lớp nhân dân trong nước, góp phần giúp bảo tàng làm tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Nhu cầu cần thiết và chính đáng
TS Lê Thị Minh Lý nhìn nhận: “Ở nước ta, hoạt động dịch vụ bổ trợ bảo tàng là vấn đề vừa mới vừa khó, tuy nhiên, nó rất quan trọng và cần thiết, là yếu tố bổ trợ để bảo tàng phát triển bền vững”. Theo bà, bảo tàng là thiết chế văn hóa, khoa học giáo dục phục vụ công chúng, mọi hoạt động của bảo tàng đều lấy công chúng làm trung tâm. Do đó, các bảo tàng có thể phát triển khả năng hoạt động dịch vụ trên cơ sở phù hợp với nhiệm vụ và văn hóa của bảo tàng. Cục Di sản văn hóa sẽ xây dựng thông tư hướng dẫn hoạt động dịch vụ của bảo tàng trong thời gian tới.
Bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM cũng bày tỏ sự ủng hộ các hoạt động dịch vụ tại bảo tàng, bà nói: “Đưa hoạt động dịch vụ vào bảo tàng là rất cần thiết và quan trọng. Tôi nghĩ, Bộ VH-TT-DL nên sớm xúc tiến việc này”.
MINH AN