Học nghề để thoát nghèo

50% lao động trong độ tuổi lao động (tương đương 160.000 người) của hộ nghèo, cận nghèo chưa được đào tạo nghề, hoặc có nghề, có việc làm song chưa qua kiểm tra, sát hạch để cấp giấy xác nhận nghề. 
Thiếu hụt về trình độ nghề đang là chiều thiếu hụt cao nhất của người nghèo, cận nghèo TPHCM. Trước thực trạng này, TPHCM đang có nhiều giải pháp linh hoạt giúp người nghèo giảm nghèo về nghề nghiệp. 
Học nghề để thoát nghèo ảnh 1 Học nghề miễn phí tại Trường Nghiệp vụ Nhà hàng TPHCM
 Trường nghề tiếp sức
19 tuổi, em Huỳnh Phi Long (ngụ quận 8, TPHCM) ngồi trông xe 12 giờ/ngày ở một điểm giữ xe trong quận. Ba mất sớm, nhà có 5 anh chị em, Long mới học hết lớp 9 đã nghỉ. Long thường nghĩ rằng mình sẽ giữ xe mãi mãi, cho đến một hôm, có người bạn hỏi ngược “Chẳng lẽ cả đời cứ giữ xe mãi hay sao?”.
Nghĩ về tương lai, theo lời chỉ dẫn của bạn, Long bỏ việc giữ xe và tới Trường Nghiệp vụ Nhà hàng TPHCM (thuộc Sở LĐTB-XH) đăng ký học nghề bếp. Chương trình học 1 năm, Long cùng các bạn được miễn phí toàn bộ, được tặng đồng phục, chi phí đi lại và bao cả cơm trưa, lễ tết có quà. “Nếu không có sự yêu thương của các thầy cô trong trường, chắc chắn em đã không học nghề”, Huỳnh Phi Long chia sẻ.
Long kể, có lần Long tập xóc chảo như các đầu bếp chuyên nghiệp và làm hỏng, bị bạn học lớp trên la mắng. Long giận dỗi không học nữa. Đúng lúc đó, thầy Dương Quốc Thanh, dạy bếp, đi qua. Thầy móc túi mình cho Long 200.000 đồng đi ăn một bữa sò huyết và nhận lời dạy Long xóc chảo. Sự tự ti của con nhà nghèo mồ côi được tình yêu thương, quan tâm của người thầy sưởi ấm và xóa tan, Long tiếp tục vừa học vừa thực tập, rồi buổi chiều học tiếng Anh.
Ra trường, Long được nhà trường giới thiệu đi làm. Năm 2014, Long sang Malaysia làm bếp trưởng một nhà hàng với mức thu nhập 36 triệu đồng/tháng. Từ năm 2016, Long về nước, làm đầu bếp ở một tòa nhà hạng A trên đường Nguyễn Thượng Hiền (quận Phú Nhuận) với mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng, không gò bó thời gian. Từ sự vươn lên của bản thân bằng nghề nghiệp ổn định, Long đã giúp gia đình thoát nghèo. Long còn giới thiệu em gái Huỳnh Thị Minh Phượng tới trường học làm bánh và đang có việc làm ổn định ở một hiệu bánh.  
Cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo Trường Nghiệp vụ Nhà hàng TPHCM, cho biết hàng năm trường mở 2 khóa học vào tháng 4 và tháng 12, mỗi khóa 120 em cho con hộ nghèo, cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, thiếu niên ở mái ấm, nhà mở… Trường nhận hồ sơ quanh năm, các em có thể nộp bất cứ lúc nào. Các em được học hoàn toàn miễn phí và “bao” luôn việc làm khi tốt nghiệp. Ngoài ra, trên địa bàn TPHCM hiện có rất nhiều trường nghề sẵn sàng nhận con em hộ nghèo, cận nghèo vào học nghề và lo luôn giới thiệu việc làm khi ra trường. Bà Nguyễn Thỵ Hải Ly, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Xây dựng, cam kết, người học xong có mức lương khởi điểm ít nhất 6,5 triệu đồng/người/tháng. 
Dạy linh hoạt
Một điểm khó mà các quận, huyện gặp phải là vận động người chưa có việc làm đi học nghề. Tại quận 6, trong tổng số 660 hộ nghèo và 2.700 hộ cận nghèo thì có tới 507 hộ nghèo với 928 thành viên, 976 hộ cận nghèo với gần 1.500 người thiếu hụt về trình độ nghề. Tuy vậy, qua khảo sát, chỉ có 135 người có nhu cầu học nghề. Từ đầu năm đến nay, quận đã đào tạo nghề giản đơn cho 25 người nghèo, cận nghèo.
Đầu tháng 6-2017, quận tiếp tục khai giảng các lớp đào tạo nghề cho 70 người nghèo, cận nghèo. Bà Lê Thị Thanh Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận 6, cho biết quận có chương trình đào tạo nghề cho học sinh nghèo thông qua học bổng khuyến học, khuyến tài 1&1. Theo đó, người nghèo, cận nghèo khi học nghề sẽ được hỗ trợ 2 - 3 triệu đồng/nghề theo quy định của TP, đồng thời được Trung tâm Dạy nghề quận 6 giảm học phí từ 20% - 40% tùy nghề học, số tiền học phí còn lại được Hội Khuyến học quận hỗ trợ.
Theo ông Phùng Văn Phú, Trưởng phòng LĐTB-XH quận 6, nhiều người nghèo trong quận muốn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Nhật Bản nhưng không có tiền chi phí, thế chân khoảng 100 triệu đồng. Về việc người nghèo muốn đi XKLĐ, ông Trương Văn Lương, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Giảm nghèo bền vững TPHCM, khẳng định: “Mọi chi phí đi XKLĐ cho người nghèo đều giải quyết được hết”. Theo ông, người nghèo, cận nghèo đi XKLĐ được vay vốn ưu đãi từ Quỹ Giải quyết việc làm địa phương. Mức vay tối đa bằng 100% chi phí, trường hợp mức vay trên 50 triệu đồng thì người lao động cần có tài sản đảm bảo tiền vay.  
Bà Lê Thị Thanh Thảo cho biết, nhiều lao động nghèo, nhất là các chị em phụ nữ, phải chăm sóc gia đình, nên không muốn tới trung tâm học nghề. Họ muốn học nghề ngay tại khu phố, vào buổi tối, trung tâm cử người tới dạy!
Hiện nay, ở các quận, huyện, nhiều người nghèo, cận nghèo đã có nghề gia truyền (đặc biệt là các quận 5, 6, 11), hay đã có công ăn việc làm. Những người này không muốn mất thời gian đi học nghề nữa. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết các địa phương cần rà soát, thống kê cụ thể bao nhiêu người đã lành nghề, người chưa có nghề đã có việc làm, người chưa có nghề chưa có việc làm… Với những người đã có nghề thì chỉ cần kiểm tra (test) trình độ nghề, cấp giấy xác nhận nghề để người dân dễ luân chuyển trong thị trường lao động mà không cần đi học. Nếu chưa có tay nghề thì vận động người dân đi học theo nguyện vọng để có nghề nghiệp ổn định.
Các quận, huyện cần thay đổi tư duy trong dạy nghề cho người dân, cụ thể là phân loại và linh hoạt trong dạy nghề. Nghề nào bắt buộc người học phải tới trung tâm, tới trường học do máy móc nặng nề khó di chuyển xa; nghề nào nhẹ nhàng như uốn tóc, làm móng… thì có thể mở lớp ngay tại khu phố, giáo viên ghé tận nơi dạy.

Tin cùng chuyên mục