Hồ sơ không giấy” trình làng, có nghĩa là tinh thần của Nghị định 158/2005/NĐ-CP về công tác tư pháp tại cơ sở đã được các đơn vị phường- xã- thị trấn hấp thụ. Nó cũng gióng lên hồi chuông “khai tử” hoạt động chứng thực nhiêu khê. Nếu so với trước đây, nộp hồ sơ gì cũng phải mang hàng loạt giấy tờ xếp hàng chờ chứng thực thì nay “hồ sơ không giấy” ra đời, đúng như niềm mong đợi của người dân. Khái niệm “photo”, “chứng thực”, “đối chiếu” đều không còn, giờ đây khi làm hồ sơ hành chính, bà con chỉ việc “xuất trình” là xong. Vừa không phải mất thời gian chờ đợi, lại khỏi phải… tốn tiền chứng thực (1.000 đồng/tờ).
Giá như trước đây, thành phố kịp thời nhìn nhận, cải tiến các hoạt động chứng thực, đừng giải quyết áp lực quá tải ở các phòng công chứng bằng cách phân cấp hoạt động sao y chứng thực cho phường- xã- thị trấn thì sẽ không phải giải quyết “hậu quả” đối với cán bộ dư thừa về sau. Thử nhìn lại, sau 10 tháng thực hiện phân cấp chứng thực cho UBND các phường- xã- thị trấn, toàn thành phố đã giải quyết được 2,7 triệu vụ việc, thu 8,7 triệu đồng lệ phí. Nhưng để thực hiện phân cấp, phường- xã nào cũng tăng từ 1- 2 cán bộ chứng thực. Nhẩm tính, có 317 phường- xã- thị trấn sẽ tăng thêm khoảng 600 người. Bình quân thu nhập mỗi người 1 triệu đồng/tháng thì 10 tháng tiền lương đã lên 6 tỷ đồng. Số phí thu vào từ hoạt động chứng thực là 8,7 tỷ đồng trừ số 6 tỷ tiền lương cho cán bộ, còn lại không đáng kể.
Chưa kể, còn lãng phí thời gian của lãnh đạo ngồi ký. Và lớn nhất là lãng phí thời gian của xã hội. Từ năm 2001, sau khi Nghị định 75/NĐ-CP của Chính phủ về công chứng- chứng thực ra đời, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg nêu rõ “hủy bỏ quy định bắt buộc người dân phải nộp bản sao giấy tờ do phòng công chứng chứng nhận…” và “cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận giấy tờ, xét thấy cần bản chính để đối chiếu, thì phải tự mình đối chiếu bản chụp với bản chính”.
Vậy tại sao chúng ta không giải quyết việc quá tải công chứng- chứng thực bằng cách bắt buộc các cơ quan hành chính thực hiện triệt để việc “tự đối chiếu” khi tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính cho dân. Nếu các ngành, các điạ phương cùng thực hiện thì sẽ đỡ tốn thời gian, công sức của nhà nước và nhân dân đúng như yêu cầu cải cách hành chính mà người dân mong đợi.
HÀN NI