Ngày 5-11, Hội nghị Bộ trưởng các nước thuộc Diễn đàn hợp tác Á-Âu lần thứ 12 (ASEM 12) đã khai mạc tại Luxembourg. Với chủ đề “Cùng hợp tác vì tương lai bền vững và an toàn”, ASEM 12 kéo dài 2 ngày bàn về các biện pháp đẩy mạnh hợp tác: đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trên các lĩnh vực khác, hướng tới kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển của Diễn đàn ASEM vào năm 2016.
Á - Âu hợp tác để đối phó với thách thức toàn cầu
“Kết nối bền vững và Tương lai ASEM”
Tại Trung tâm Hội nghị châu Âu ở Luxembourg chiều 5-11, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 12 (FMM-12) tiến hành phiên họp “Kết nối và Tương lai ASEM”. Hội nghị nhất trí đưa kết nối trở thành một trong những nội hàm chính của hợp tác ASEM, đề cao việc kết nối giữa hai châu lục nhằm phục hồi kinh tế, hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững và đồng đều, đáp ứng tốt nhất lợi ích của người dân.
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề xuất đối thoại và hợp tác ASEM cần gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó chú trọng xóa đói nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, bình đẳng giới và ứng phó với các thách thức toàn cầu. Để đóng góp vào nỗ lực chung của ASEM, Việt Nam đề xuất sáng kiến mới tổ chức “Hội nghị ASEM về quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai: Sáng tạo và công nghệ vì phát triển bền vững, tự cường” tại Việt Nam năm 2016 và được nhiều thành viên ủng hộ, tham gia đồng sáng kiến.
Sáng 6-11, hội nghị tiếp tục ngày làm việc thứ hai với phiên họp “Các vấn đề quốc tế và khu vực”, đặc biệt là các vấn đề liên quan hòa bình, an ninh, chủ nghĩa khủng bố, di cư, an ninh hàng hải… Các thành viên chia sẻ đánh giá về tình hình phức tạp tại Trung Đông - Bắc Phi, tiến trình hòa bình Trung Đông, bán đảo Triều Tiên… Nhiều thành viên bày tỏ quan ngại trước những diễn biến mới đang tác động đến môi trường an ninh tại châu Á, trong đó có biển Đông. Hội nghị nhất trí về nhu cầu cấp thiết cần tăng cường hợp tác nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 12 đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch với nhiều quyết định quan trọng; chuyển thông điệp mạnh mẽ của các thành viên ASEM về quyết tâm tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở hai châu lục và thế giới; đồng thời định hướng cho hợp tác của diễn đàn trong thập niên phát triển mới.
Cơ hội mới EU - Việt Nam
Trong trao đổi với đoàn Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị FMM-12, các nước đều đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với Việt Nam tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hiệp quốc, trong ASEM và trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - EU, quan hệ Việt Nam - EU.
Các nước đều đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã đạt được trong thời kỳ đổi mới và cho rằng Việt Nam đang trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn về đầu tư, du lịch tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; ủng hộ việc Liên minh châu Âu (EU) sớm ký Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA) và khẳng định khi EVFTA được triển khai trong tương lai gần sẽ mở ra những cơ hội hợp tác kinh tế mới giữa Việt Nam và EU nói chung, cũng như giữa Việt Nam với các nước này nói riêng.
Giới quan chức ngoại giao Thụy Điển và Luxembourg cho biết, trong bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam đang ngày càng phát triển, các nước này sẽ chuyển dần từ hình thức cung cấp viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam (ODA) sang hình thức hỗ trợ mới, thông qua việc hình thành các quan hệ đối tác, đóng góp tài trợ cho các dự án của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cũng như hình thức hợp tác, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực như chống và thích nghi với biến đổi khí hậu, xây dựng hạ tầng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, y tế, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… góp phần giúp Việt Nam thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) do Liên hiệp quốc đề ra.
Phó Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) Jonathan Taylor đánh giá cao mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - EU; tin tưởng việc Việt Nam và EU ký kết, triển khai Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) trong thời gian tới sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ thương mại - đầu tư giữa hai bên; khẳng định EIB sẵn sàng hợp tác lâu dài với Việt Nam trong lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu cấp bách như xây dựng cơ sở hạ tầng (đặc biệt là xây dựng các tuyến tàu điện ngầm tại Hà Nội, TPHCM) và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngài Jonathan Taylor cũng bày tỏ mong muốn sớm sang thăm chính thức Việt Nam để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và EIB.
HẠNH CHI (tổng hợp)