Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội: Không đạt được thỏa thuận

Trái với nhiều kỳ vọng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không tham dự bữa ăn trưa và đưa ra tuyên bố chung như lịch trình ban đầu. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên kết thúc vào trưa ngày 28-2, sớm hơn so với dự kiến và không đạt được thỏa thuận.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên trong cuộc hội đàm mở rộng ngày 28-2
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên trong cuộc hội đàm mở rộng ngày 28-2

Bất ngờ


Kết quả này khiến giới truyền thông có mặt tại Hà Nội bất ngờ. Nhiều phóng viên vội vã di chuyển đến khách sạn JW Marriott để tham dự buổi họp báo của Tổng thống Donald Trump, với hy vọng sẽ sớm biết được nguyên nhân hội đàm không đạt thỏa thuận.
Trước đó, phát biểu khi bắt đầu cuộc gặp riêng, 2 nhà lãnh đạo đều đưa ra những tín hiệu lạc quan. Tổng thống Donald Trump nêu rõ ông đánh giá cao việc Triều Tiên không thử tên lửa và hạt nhân. Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Tôi nhắc lại một lần nữa là tôi không vội vã. Chúng tôi không muốn các vụ thử, chúng tôi đã thúc đẩy điều rất đặc biệt theo hướng này”. Tổng thống Mỹ nói 2 bên không nhất thiết phải đạt được thỏa thuận trong ngày 28-2.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội: Không đạt được thỏa thuận ảnh 1 Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp một - một tại hội nghị        Ảnh: TTXVN
Trong trao đổi nhanh với báo giới trước khi bước vào cuộc họp sáng cùng ngày, khi nói về việc buộc Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn, Tổng thống Donald Trump nêu rõ, tốc độ phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên là không quá quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta thực hiện đúng thỏa thuận. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định ông đã có “cuộc đối thoại tốt đẹp với Tổng thống Donald Trump và mong muốn hội nghị thượng đỉnh đạt kết quả tích cực”.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên đi dạo tại khách sạn Metropole
 Sau cuộc gặp riêng và kết thúc chuyến đi dạo, 2 nhà lãnh đạo đã tiến hành nhóm họp cùng với quan chức của 2 bên. Nội dung cuộc họp xoay quanh vấn đề phi hạt nhân hóa và mở văn phòng đại diện của Mỹ tại Triều Tiên. Kết thúc cuộc hội đàm mở rộng, Tổng thống Donald Trump và  nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thông báo kết quả với các phóng viên có mặt. Ông Donald Trump cho biết, cuộc đàm phán giữa 2 phái đoàn diễn ra rất thành công. Khi được hỏi liệu có sẵn sàng giải trừ hạt nhân hay không, ông Kim Jong-un nói: “Nếu tôi không sẵn sàng làm điều đó, hiện giờ tôi đã không ở đây”.


Trung Quốc hy vọng, Hàn Quốc thất vọng

Theo Yonhap, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sau khi rời Hà Nội, Tổng thống Donald Trump tái khẳng định cam kết giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và đề nghị ông Moon Jae-in tham gia vai trò trung gian kết nối đối thoại với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Ông Moon Jae-in trước đó đã đóng vai trò làm người trung gian hòa giải giữa Mỹ và Triều Tiên, với kỳ vọng rằng cuộc gặp lần này giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ giúp định hình mối quan hệ liên Triều trong tương lai. Phản ứng về kết quả của hội nghị, đảng Dân chủ cầm quyền và các đảng đối lập đều bày tỏ thất vọng. 

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết Tokyo ủng hộ quyết định của Tổng thống Donald Trump không nhượng bộ dễ dàng với Triều Tiên và tiếp tục các cuộc đàm phán mang tính xây dựng để thúc giục Triều Tiên có các bước đi cụ thể trong vấn đề phi hạt nhân hóa. 

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ hy vọng đối thoại và liên lạc giữa Mỹ và Triều Tiên có thể tiếp tục. Phát biểu tại họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đánh giá, 2 bên đã chứng tỏ sự chân thành tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2. 

Hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) cho biết chiều cùng ngày, phái đoàn Bộ Ngoại giao Triều Tiên do Thứ trưởng Ri Kil-song dẫn đầu đã rời Việt Nam đi Trung Quốc .

Trên chuyên cơ trở về Mỹ sau khi kết thúc hội nghị, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa gửi lời cảm ơn Việt Nam đã tổ chức tốt đẹp cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 này. Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Donald Trump đã gửi lời cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và toàn thể người dân tuyệt vời ở Việt Nam.
TỔNG THỐNG MỸ: SẼ KHÔNG CÓ LỆNH TRỪNG PHẠT MỚI

Trong buổi họp báo bị đẩy lên sớm trước gần 2 giờ tại khách sạn JW Marriott ở Hà Nội, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2. 

Ông Donald Trump cho biết đã có thời gian hữu ích với ông Kim Jong-un và 2 bên đã chia sẻ nhiều vấn đề, nhưng chưa có đủ điều kiện tốt để ký một tuyên bố chung. Mỹ và Triều Tiên đã có một số phương án để ngỏ nhưng “thời điểm này chưa quyết định chọn bất cứ phương án nào”. Ông Donald Trump nói rõ khúc mắc trong đàm phán nằm ở vấn đề trừng phạt. Triều Tiên muốn dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt, nhưng Mỹ chưa thể đáp ứng điều đó. Triều Tiên chỉ muốn đưa ra danh sách của một phần cơ sở hạt nhân. Mặc dù vậy, ông khẳng định Mỹ vẫn muốn duy trì quan hệ với Triều Tiên. Theo Tổng thống Donald Trump, hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 không phải là không đạt được tiến bộ vì ông Kim Jong-un cho biết sẽ không tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Tiếp đó, ông Donald Trump nhắc lại những thành tựu mà chính quyền của ông đã đạt được trong quá trình đàm phán với Triều Tiên như đưa các con tin người Mỹ về nước, có được cam kết của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về việc ngừng thử hạt nhân, tên lửa.

Đề cập về việc liệu có các lệnh trừng phạt sắp tới dành cho Triều Tiên hay không, Tổng thống Donald Trump khẳng định Mỹ sẽ không áp đặt lệnh trừng phạt mới, với lý do Triều Tiên cần phát triển kinh tế. Tổng thống Donald Trump vẫn chưa tính đến cuộc gặp tiếp theo với nhà lãnh đạo Triều Tiên, nhưng hy vọng có thể sớm diễn ra. Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, Triều Tiên có tiềm năng trở thành cường quốc kinh tế. Trung Quốc đã hỗ trợ Triều Tiên rất nhiều trong công cuộc phát triển kinh tế và Nga cũng vậy.

Trong khi đó, cũng tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết 2 nhà lãnh đạo đã đối thoại trong 24 giờ, nhưng chưa đạt kết quả như ý. Hai bên sẽ tiếp tục làm việc với nhau để đưa ra các thỏa thuận. Ông Mike Pompeo nói rằng, ngay cả khi phá dỡ tổ hợp Yongbyong, Triều Tiên vẫn còn nhiều cơ sở hạt nhân và kho vũ khí khác và đây là lý do khiến Tổng thống Donald Trump không thể đạt được thỏa thuận với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
PHƯƠNG NAM
CNA: GIỜ LÀ LÚC NÓI VỀ VIỆT NAM

Theo kênh CNA, dù một thỏa thuận được dư luận kỳ vọng tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 không xuất hiện tại Hà Nội bởi quá trình phi hạt nhân hóa không thể xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng Việt Nam “được” rất nhiều từ sự kiện lần này.

Những ngày qua, hình ảnh Việt Nam nổi lên trong mắt của nhiều người là một quốc gia hiện đại, năng động, có thể xem là mô hình để Triều Tiên tham khảo. 30 năm trước, Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Triều Tiên khi phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế từ các lệnh cấm vận. Để giải quyết các thách thức đó, các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã thực hiện Đổi mới vào năm 1986. Và phần còn lại của lịch sử thì ai cũng đã thấy rõ: từ một quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất của thế giới trong 3 thập kỷ qua. Nhiều động thái trong những năm gần đây của Triều Tiên dường như cho thấy Bình Nhưỡng “sẵn sàng theo đuổi” mô hình phát triển của Việt Nam. Năm 2012, một phái đoàn của Triều Tiên đã đến tỉnh Thái Bình để trải nghiệm thực tiễn phát triển nông thôn ở Việt Nam. Năm ngoái, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho cũng đã đến Hà Nội để tham khảo, nghiên cứu về cải cách của Việt Nam…

Ngoài sự phát triển về kinh tế, Việt Nam còn cho thấy một hình mẫu giải quyết xung đột hiệu quả. Từ 2 quốc gia cựu thù, sau khi quan hệ Việt Nam - Mỹ được bình thường hóa, hợp tác giữa Hà Nội - Washington ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là một đối tác về an ninh trong khu vực. Kết quả trên cho thấy một điều rằng, cách giải quyết xung đột hiệu quả hơn cả là hợp tác mạnh mẽ về kinh tế thay vì trừng phạt. Giới quan sát cho rằng một Triều Tiên thịnh vượng là kịch bản tốt nhất cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Các chuyên gia đánh giá rất cao việc không có nhiều quốc gia trên thế giới có thể tuyên bố có quan hệ tốt với cả Mỹ và Triều Tiên như Việt Nam. Vì vậy, việc Việt Nam được lựa chọn là địa điểm tổ chức hội nghị đã thay lời khẳng định: Việt Nam là một quốc gia trung lập hòa bình.

Trong 10 năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực nâng cao vai trò của mình trong các vấn đề quốc tế thông qua việc tổ chức các hội nghị quốc tế. Thông qua hội nghị lần này, Hà Nội muốn nâng cao vị thế của mình trong cộng đồng quốc tế, cải thiện mối quan hệ với Mỹ và củng cố quan hệ hữu nghị với Triều Tiên. Việc các phương tiện truyền thông quốc tế đăng tải dày đặc thông tin về sự kiện cũng đã giúp Việt Nam kể câu chuyện thành công của mình với bạn bè quốc tế mà không phải tốn chi phí cho các chiến dịch quảng cáo đắt tiền. Có thể nói, giờ là lúc để nói về Việt Nam với nền kinh tế năng động, một xã hội hiện đại, trẻ trung hơn là về một Việt Nam với ký ức cuộc chiến tranh đã kết thúc gần nửa thế kỷ trước.
MINH CHÂU
NÉT MỚI CỦA TRUYỀN THÔNG TRIỀU TIÊN

Khác hẳn với những chuyến công du trước đây của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, thông tin về chuyến thăm tới Việt Nam lần này được đưa một cách đậm nét, dày đặc trên các phương tiện truyền thông của Triều Tiên.

Trong ngày 27-2, trang web của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã đăng trang trọng trên trang nhất bài viết và bức ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un chụp cùng các nhân viên Đại sứ quán Triều Tiên ở Hà Nội. Thông tin chi tiết về lịch trình ngày làm việc đầu tiên tại Hà Nội của ông Kim Jong-un, bao gồm cuộc họp với quan chức phụ trách đàm phán với Mỹ trước hội nghị thượng đỉnh, cũng xuất hiện rộng rãi trên các tờ báo nhà nước Triều Tiên. Lịch trình sắp tới của ông Kim Jong-un cũng như chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên cũng được thông báo. Báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Lao động Triều Tiên - đã dành toàn bộ trang nhất và trang thứ hai trong số báo ra ngày 27-2 đăng tải nhiều hình ảnh hoạt động của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Việt Nam, từ lễ đón nồng nhiệt ở Đồng Đăng (Lạng Sơn) cho tới cuộc họp chiến lược trong phòng khách sạn và cuối cùng là cuộc gặp gỡ, chụp ảnh cùng các em nhỏ tại Đại sứ quán Triều Tiên ở Hà Nội.

Đây được coi là một động thái khác thường khi Bình Nhưỡng trước đây không đưa tin về các chuyến công du và lộ trình của nhà lãnh đạo vì lý do an toàn. Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã giữ im lặng cho đến khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới đảo quốc sư tử. Tin tức đưa ngắn gọn trong các chuyến đi và chỉ cung cấp chi tiết sau khi nhà lãnh đạo đã về nước.
KHÁNH HƯNG

Tin cùng chuyên mục