Hội nghị Tổng kết 8 năm thi hành Luật Báo chí: Những vấn đề “bếp núc” cũng cần giải quyết rốt ráo!

Nhiều vấn đề thuộc loại “bếp núc” trong hoạt động báo chí, thậm chí được coi là khá nhạy cảm, đã được đưa ra phân tích, bàn bạc trong Hội nghị tổng kết 8 năm thi hành Luật Báo chí; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Đó là việc nên hay không nên có quy định cho phép các cơ quan báo chí tiếp nhận tài trợ tự nguyện của các tổ chức và cá nhân nước ngoài; các cơ quan báo chí có được miễn nghĩa vụ thuế đối với các hoạt động xã hội, từ thiện hay không; chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính, trợ cấp, nhuận bút… đối với các cơ quan báo chí như thế nào.

Đồng thuận với quan điểm cho rằng khung pháp lý hiện hành chưa quan tâm đầy đủ đến việc tạo ra cơ chế tài chính rõ ràng và thuận lợi cho hoạt động báo chí, nhiều đại biểu (ĐB) tham dự hội nghị đề xuất việc sửa đổi Luật Báo chí theo hướng cụ thể hóa việc thu và sử dụng các nguồn thu từ quảng cáo và các hoạt động khác của cơ quan báo chí.

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn, Luật Báo chí chưa có quy định về thu tiền quảng cáo cũng như chưa xác định cơ quan nào có thẩm quyền quy định về biểu thu. Ông Đỗ Khắc Điệp, Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Bình Dương đặt ra yêu cầu cụ thể hơn nữa: “Cần quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan báo chí với các thành phần kinh tế tư nhân trong liên doanh, liên kết thực hiện tác phẩm báo chí hoặc cho ra đời các phụ trương, đặc san… Thời lượng phát sóng trên báo hình và diện tích đăng phát quảng cáo trên báo in cũng phải được cụ thể hóa”. Theo đó, quy định hiện hành về diện tích quảng cáo tối đa 10% diện tích báo in được coi là quá thấp, không còn phù hợp với thực tế.

Liên quan đến nội dung này, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Phạm Quang Long cho biết, nhiều cơ quan báo chí ở Thủ đô có cùng đề xuất, khi đã được cấp giấy phép ra phụ trang quảng cáo thì nên trao cho các cơ quan báo chí quyền tự chủ về số trang quảng cáo; không nên hạn chế “số trang của phụ trương, phụ bản quảng cáo không được vượt quá số trang báo chính” như hiện nay.

Đáng lưu ý, Hội Nhà báo TP Hà Nội đưa ra đề xuất “cơ quan báo chí được phát triển kinh tế báo chí trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”. Khi cần thiết, Nhà nước có chính sách hỗ trợ ngân sách cho báo chí theo “đơn đặt hàng”.

Anh Phương

Tin cùng chuyên mục