Hội Nhà văn TPHCM - Tăng tác phẩm, nâng chất lý luận phê bình

Đa dạng tác phẩm, tác giả
Hội Nhà văn TPHCM - Tăng tác phẩm, nâng chất lý luận phê bình

Với hơn 400 hội viên, Hội Nhà văn TPHCM (HNVTP) là một trong những hội nghề nghiệp dành cho các tác giả văn học lớn nhất nước, cả về số lượng cũng như sự đa dạng trong sáng tác. HNVTP được kỳ vọng sẽ là nơi hỗ trợ cho các tác giả để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học và đóng góp cho việc xây dựng một nền văn hóa đọc phát triển và lành mạnh trên phạm vi cả nước.

Một chuyến đi thực tế sáng tác của hội viên Hội Nhà văn TPHCM

Đa dạng tác phẩm, tác giả

Theo thống kê của HNVTP, ước tính trong 5 năm vừa qua, mỗi hội viên trung bình sáng tác và xuất bản 1,9 đầu sách, một số hội viên mỗi năm xuất bản từ 4 đến 5 tác phẩm. Nhà văn Bích Ngân, Phó Chủ tịch Hội đồng văn xuôi cho biết, chỉ tính riêng thời gian vừa qua, trước yêu cầu sáng tác về TPHCM, các nhà văn của hội đã có hàng loạt tác phẩm với nhiều góc nhìn khác nhau, từ những câu chuyện bi tráng của một thời chiến tranh qua các tác phẩm của nhà văn Văn Lê, Trầm Hương hay về TPHCM dưới góc nhìn một thời tuổi thơ của Lê Văn Nghĩa, đến cuộc sống tuổi trẻ, mưu sinh qua những trang viết của Nguyễn Danh Lam, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên… và hiện nay là những sáng tác mang chất trẻ như của Anh Khang, Phong Việt…

Sáng tác trên địa bàn một TP năng động với rất nhiều vấn đề cả mặt tích cực lẫn tiêu cực, HNVTP đã nỗ lực tìm cách giúp các hội viên tiếp cận những vấn đề của cuộc sống hôm nay. Nổi bật nhất trong đó là các chuyến đi thực tế sáng tác. Theo nhà văn Trần Thanh Giao, các chuyến đi này không trực tiếp mang đến các tư liệu cần thiết nhưng góp phần giúp các tác giả gợi mở ra những vấn đề, từ đó có các ý tưởng, phương hướng sáng tác mới.

Hàng năm, HNVTP cũng tổ chức 2 trại viết với tổng số khoảng 30 đến 40 nhà văn, đây là nơi giúp các tác giả có điều kiện trao đổi về kỹ năng viết, các vấn đề trở ngại trong sáng tác, các chi tiết chưa ưng ý trong tác phẩm của mình… từ đó góp phần hoàn thiện các tác phẩm.

Vấn đề đầu tư sáng tác cũng được chú ý. Đây được xem là hình thức TP đặt hàng các tác giả sáng tác về những đề tài thời sự như về biển đảo, xây dựng nông thôn mới, chiến tranh cách mạng… Là một trong hai Hội Nhà văn lớn của cả nước (cùng HNV Hà Nội), giải thưởng HNVTP cũng luôn được chú ý vì có ảnh hưởng đến sự phát triển văn học chung của cả nước. 5 năm qua, dù chưa thật sự ấn tượng nhưng một số tác phẩm được đánh giá cao như hồi ký Được sống và kể lại của tác giả Trần Luân Tín được xem đã góp phần khích lệ những cựu chiến binh viết về những ký ức thời chiến tranh đầy sinh động. Hoặc như với tập thơ Hát đi em của nhà thơ Prekimalamak được đánh giá ấn tượng trong năm 2014.

Chuyện “giải thưởng già” và “kết nạp nhiều”

Nhìn lại 5 năm hoạt động của nhiệm kỳ VI, HNVTP (2010 - 2015) có nhiều vấn đề được nêu ra, tuy nhiên như tác giả Kao Sơn nhấn mạnh thì có hai vấn đề nổi bật là việc kết nạp hội viên mới không phù hợp và các giải thưởng chưa thuyết phục.

Trong 5 năm qua, HNVTP đã kết nạp thêm hơn 100 hội viên mới. Cần chú ý rằng trước đó, từ khi thành lập thì số hội viên của HNVTP trung bình chỉ khoảng trên dưới 300 hội viên. Tuy nhiên, vấn đề được nêu ra không phải ở số lượng mà ở tiêu chí nhận hội viên, trong đó có 2 tiêu chí được nhắc đến là có ít nhất 2 tác phẩm được xuất bản và có giá trị. Nhà văn Lê Dụng cho biết, tiêu chí 2 tác phẩm là phần còn sót lại từ thời bao cấp, khi đó để xuất bản 1 tác phẩm cực kỳ khó khăn, các biên tập viên, nhà xuất bản nâng lên đặt xuống, chọn tới chọn lui mãi mới quyết để in. Vì thế có tác phẩm được in và xuất bản là dấu ấn quan trọng của người sáng tác, Hội dựa vào đó để chọn nhà văn là phù hợp. Hiện nay, việc xuất bản một tác phẩm đã đơn giản hơn rất nhiều, tác phẩm không có vấn đề gì là được các nhà xuất bản cấp phép, tác giả bỏ tiền ra in thế là có sách. Việc đánh giá tác phẩm “có giá trị” hay không cũng là một vấn đề, do đây là một khái niệm rất mơ hồ, liên quan đến quan điểm cá nhân. Nhà thơ Lam Giang cho rằng nên chuyển thành xem xét “chất lượng văn học” với các tiêu chí cụ thể để không xảy ra nhưng nghi ngờ về chất lượng hội viên mới.

Về giải thưởng, tuy HNVTP không bị hiện tượng “trả giải” như ở một số hội nhà văn khác nhưng vẫn bị nhiều điều tiếng, trong đó nổi bật là vấn đề trao giải văn học trẻ khi qua nhiều năm liên tiếp, cả giải lẫn tặng thưởng của HNVTP vắng bóng người trẻ. Lý do của vấn đề này được quy về tiêu chí không phù hợp khi yêu cầu tuổi dưới 30 và tác phẩm có giá trị. Trong đó, một lần nữa việc khái niệm “có giá trị” bị đánh giá quá chung chung và không cụ thể.

Nâng cao chất lượng lý luận phê bình

Trong nhiệm kỳ mới, bên cạnh việc cải tiến, thay đổi những vấn đề nêu trên thì một trong những trọng tâm của HNVTP là nâng cao công tác lý luận- phê bình. Đây được coi là phương tiện quan trọng nhất trong việc hỗ trợ, định hướng sáng tác hiện nay. Lý luận phê bình cũng được coi là công cụ góp phần mở rộng không gian sáng tạo, khơi gợi những suy nghĩ mới về sáng tác, nghiên cứu… Thời gian vừa qua rất nhiều vấn đề của văn học ở TP rơi vào tình trạng lơ lửng như vấn đề phản ánh hiện thực, xây dựng nhân vật trung tâm của đời sống hiện nay… Điều này phản ảnh rõ nhất ở các tranh cãi về những thành công lớn về doanh số của các cây bút trẻ hay vấn đề về dòng văn học ngôn tình gây xôn xao dư luận, nhưng hầu như không có phản hồi từ phía hội.

Nhà văn Trần Văn Tuấn được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM

Chiều 16-6, Đại hội Hội Nhà văn TPHCM nhiệm kỳ VII (2015-2020) đã bầu ra ban chấp hành mới với 9 nhà văn, nhà thơ gồm: Phan Hoàng, Phan Trung Thành, Trương Nam Hương, Phạm Sỹ Sáu, Trịnh Bích Ngân, Trầm Hương, Lê Thị Kim, Trần Văn Tuấn, Trần Nhã Thụy. Tại phiên họp thứ nhất của ban chấp hành đã bầu nhà văn Trần Văn Tuấn làm Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM nhiệm kỳ mới, hai nhà thơ Phan Hoàng và Phạm Sỹ Sáu làm phó chủ tịch. Ban chấp hành mới được đánh giá là có thêm chất trẻ, điều này được hy vọng là sẽ góp phần nâng cao hoạt động của các nhà văn trẻ của hội (dưới 35 tuổi) vốn được coi là nhiều về số lượng nhưng yếu kém về các hoạt động thực tế.

Sáng nay 17-6, Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM nhiệm kỳ VII (2015-2020) chính thức ra mắt và thông qua phương hướng hoạt động thời gian tới, dự kiến tập trung vào việc nâng cao sự gắn kết giữa các hội viên với nhau và giữa các hội viên với hội. Đồng thời tiến hành minh bạch hóa các khoản đầu tư, hỗ trợ trong sáng tác, nâng cao hoạt động khuyến khích sáng tác cho hội viên.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục