Sáng 21-7, tại TPHCM đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề Kỷ niệm 100 năm năm sinh nhà thơ Nguyễn Bính (1918-2018) do trường Đại học Văn Lang phối hợp với Viện Văn học tổ chức.
Hội thảo khoa học Kỷ niệm 100 năm năm sinh nhà thơ Nguyễn Bính (1918-2018)
Đến dự buổi hội thảo có GS Trần Đình Sử; PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học; PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn học, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu văn học và sự tham dự đặc biệt của nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu – người thực hiện công trình sưu tầm và ra mắt Nguyễn Bính toàn tập, con gái của nhà thơ Nguyễn Bính.
Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái nhà thơ Nguyễn Bính
Tại buổi hội thảo, PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp cho biết, TPHCM được chọn tổ chức Hội thảo khoa học này là do dù sinh ra tại Nam Định nhưng vùng đất Nam Bộ có một vị trí đặc biệt trong tác phẩm của Nguyễn Bính. Hơn 30 năm cần mẫn sáng tạo nghệ thuật, ông đã để lại nhiều tác phẩm xuất sắc với đa dạng thể loại khác nhau từ thơ, văn xuôi cho đến tiểu thuyết, kịch… và đặc biệt nhất vẫn là thơ ca.
Cũng theo ông Điệp, có thể nói nhà thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận và Nguyễn Bính chính là “tứ bất tử” của phong trào Thơ mới. Trong thơ của Nguyễn Bính có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, là hiện đại của truyền thống, “chạm đến linh hồn làng mạc” chinh phục người đọc.
Thông qua buổi hội thảo, những tư liệu mới về hoạt động văn học của Nguyễn Bính; sự đa dạng, phong phú của thơ Nguyễn Bính qua các giai đoạn lịch sử khác nhau; bản sắc văn học trong thơ Nguyễn Bính cũng như tìm hiểu giai đoạn nhà thơ trở ra Bắc và làm báo Trăm hoa… được trình bày, thảo luận và trao đổi.
Dịp này, trường Đại học Văn Lang phối hợp với Viện Văn học cũng đã xuất bản cuốn kỷ yếu Trăm năm Nguyễn Bính – Truyền thống và hiện đại gồm 47 trong số 70 tham luận được chọn để tiếp cận và khám phá những sáng tác của nhà thơ Nguyễn Bính từ nhiều phương diện (lý luận, phê bình, văn học so sánh, ngôn ngữ…) do NXB Hội nhà văn phát hành.
Kỷ yếu Trăm năm Nguyễn Bính – Truyền thống và hiện đại
MINH DIỄM