Hội thảo quốc tế lần thứ tư về biển Đông: Hợp tác vì an ninh, hòa bình và thịnh vượng

Ngày 19-11, tại TPHCM, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong khu vực” do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức đã khai mạc.

(SGGP).- Ngày 19-11, tại TPHCM, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong khu vực” do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức đã khai mạc.

Tham dự hội thảo có hơn 200 học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia; trong đó có khoảng 100 học giả, quan chức chính phủ đến từ 27 nước và vùng lãnh thổ, gần 30 đại diện ngoại giao đoàn tại Việt Nam và các học giả, đại biểu Việt Nam.

Trong phần khai mạc hội thảo, ông Đặng Đình Quý (Giám đốc Học viện Ngoại giao) phát biểu: “Biển Đông là một trong những khu vực có tranh chấp phức tạp nhất trên thế giới. Sự phức tạp ấy đang gia tăng gấp bội do những biến chuyển của tình hình nội bộ nhiều nước, những biến chuyển của tình hình kinh tế, chính trị, quân sự và an ninh ở khu vực.

Bên cạnh những vấn đề an ninh truyền thống như tranh chấp đảo, tranh chấp khu vực biển; thì các vấn đề an ninh phi truyền thống như cướp biển, ô nhiễm môi trường biển, sự xuống cấp của các nguồn hải sản; biến đổi khí hậu... đang ngày càng nghiêm trọng. Tình hình càng diễn biến phức tạp, chúng ta cần phải có nỗ lực lớn hơn, đồng thời cần tìm ra các phương cách hiệu quả hơn để đưa các kết quả nghiên cứu, các khuyến nghị chính sách đi vào cuộc sống”.

Hội thảo quốc tế lần thứ tư về biển Đông diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế kỷ niệm 30 năm Công ước về Luật Biển của Liên hiệp quốc được ký kết, 10 năm ASEAN và Trung Quốc long trọng tuyên bố cam kết thúc đẩy các biện pháp hợp tác, tăng cường lòng tin, không làm phức tạp thêm tình hình trong Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC).

Trong 3 ngày diễn ra hội thảo (19-11 đến 21-11), các đại biểu sẽ thảo luận 10 nội dung gồm: “Biển Đông trong sự dịch chuyển: địa chính trị”, “Những diễn biến gần đây ở biển Đông”, “Chính trị nội bộ và chính sách đối ngoại ở biển Đông”, “Quân sự hóa và những hệ lụy”, “Lợi ích và chính sách của các bên ngoài khu vực biển Đông”, “Biển Đông trong quan hệ Mỹ - ASEAN - Trung Quốc”, “Những khía cạnh pháp lý của vấn đề biển Đông”, “Hợp tác ở biển Đông: nhìn lại quá khứ và hướng tới tương lai”, “Giải quyết tranh chấp, quản lý xung đột và các phương thức hướng tới giải pháp”, “Kiến nghị chính sách”. Hội thảo được kỳ vọng rằng từ những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ góp phần thiết lập thêm nhiều cơ chế hợp tác, củng cố lòng tin giữa các bên liên quan đến tranh chấp và do đó biển Đông an ninh hơn, hòa bình và thịnh vượng hơn.

Trong ngày thảo luận đầu tiên, các học giả nhấn mạnh các bên cần kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế, duy trì vai trò đoàn kết của ASEAN nhằm duy trì hiệu quả các khuôn khổ hợp tác khu vực. Theo quan điểm của nhiều học giả, lịch sử quan hệ quốc tế cho thấy không thể dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp như ở biển Đông; các nước tham gia tranh chấp phải giữ cân bằng giữa bảo vệ quyền lợi của riêng mình và duy trì sự ổn định ở biển Đông.

Ngoài ra, các bên liên quan phải có trách nhiệm chọn lọc thông tin khách quan và đầy đủ về vấn đề để đưa ra những thông điệp quan trọng một cách đúng đắn, không kích động tinh thần dân tộc cực đoan, làm phức tạp thêm quá trình giải quyết tranh chấp vốn đã gặp nhiều trở ngại. 

A.CHÂN

Tin cùng chuyên mục