Hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ cần được tìm kiếm, quy tập

(SGGP). - Ngày 20-12, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai Chỉ thị số 24 (ngày 15-5-2013) của Bộ Chính trị và Quyết định số 1237 (ngày 27-7-2013) của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

(SGGP). - Ngày 20-12, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai Chỉ thị số 24 (ngày 15-5-2013) của Bộ Chính trị và Quyết định số 1237 (ngày 27-7-2013) của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Theo Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng), đến nay đã tìm kiếm, quy tập được 939.462 hài cốt liệt sĩ, an táng tại 3.077 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước. Trong đó, từ năm 1994 - 2013 đã tìm kiếm, quy tập được 15.989 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào; từ năm 2001 - 2013 đã tìm kiếm, quy tập được 14.549 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia.

Thiếu tướng Trần Văn Minh, Cục trưởng Cục Chính sách, cho biết hiện nay còn hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ cần phải tìm kiếm và quy tập (chiếm 18% tổng số liệt sĩ). Theo Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2015 sẽ tìm kiếm, quy tập được khoảng 10.000 hài cốt liệt sĩ; đến năm 2020, tìm kiếm, quy tập được 60% hài cốt liệt sĩ còn lại có thông tin; từ năm 2021 trở đi, tiếp tục tìm kiếm, quy tập số hài cốt liệt sĩ còn lại.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và các địa phương tham gia hội nghị đều cho rằng, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ. Đây là nội dung rất quan trọng trong công tác quy tập, tìm kiếm mộ liệt sĩ. Tuy nhiên, do thời gian và những biến động của tự nhiên, xã hội, thông tin về những liệt sĩ còn lại là không nhiều, rất khó xác minh, làm rõ, nhất là trên địa bàn Lào và Campuchia. Vì vậy, cần phải tập trung và tăng cường công tác thông tin, chú trọng vận động các tổ chức, cá nhân, nhất là các cựu chiến binh, đồng đội cũ, những người cao tuổi ở địa phương và cả đối tác ở nước ngoài.

Về vấn đề tìm mộ liệt sĩ bằng tâm linh, ngoại cảm, tự tổ chức tìm kiếm, các ý kiến tại hội nghị đều khẳng định: trong khi chưa đủ căn cứ kết luận khoa học về vấn đề này đã làm phức tạp thêm công tác quản lý, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và trở thành vấn đề bức xúc của xã hội.

Quyết định 1237 của Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cho Bộ Quốc phòng và chỉ Bộ Quốc phòng mới được thực hiện công tác này. Còn các tổ chức, cá nhân khác, nếu có phát hiện ra hài cốt liệt sĩ hoặc mộ liệt sĩ, thì báo cho cơ quan chức năng, chứ không được phép tự khai quật hoặc làm những việc liên quan. Hài cốt liệt sĩ khi tìm thấy phải qua giám định tại 1 trong 3 cơ quan là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc Bộ Khoa học - Công nghệ, phải có sinh phẩm của liệt sĩ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ đã thực hiện mấy chục năm qua. Thời điểm này chúng ta phát động và làm theo tinh thần kế tục, tiếp tục với quyết tâm cao, thường xuyên liên tục chứ không phải làm một đợt rộ lên rồi thôi.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, chủ động từng bước cung cấp thông tin đã được xử lý và quản lý cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, các lực lượng chuyên trách tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và thân nhân gia đình liệt sĩ. Đồng thời kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng, giả mạo, lừa đảo, làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm, tình cảm tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ và tình hình xã hội ở các địa phương.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục