Hơn 5.000 cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn về tư vấn tâm lý trường học

Sáng 2-11, hơn 5.000 cán bộ quản lý là lãnh đạo Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, hiệu trưởng, giáo viên, cộng tác viên triển khai công tác tư vấn tâm lý tại các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã tham gia tập huấn về kỹ năng tư vấn tâm lý trong trường học. Buổi tập huấn do Bộ GD-ĐT tổ chức theo hình thức trực tuyến tại hơn 600 điểm cầu trên cả nước. 

Theo quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) Trần Văn Đạt, trường học là nơi học sinh dành nhiều thời gian sinh hoạt nhất trong ngày.

"Ngoài việc thực hiện chương trình giáo dục, học sinh hiện nay còn đối mặt với nhiều vấn đề ở trường học như áp lực học tập, bạo lực học đường, bất ổn tâm lý… Thực tế đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học", quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) cho biết.

Đại diện Bộ GD-ĐT phát biểu tại buổi tập huấn

Đại diện Bộ GD-ĐT phát biểu tại buổi tập huấn

Đại diện Bộ GD-ĐT chia sẻ, thời gian qua, bộ đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác tư vấn tâm lý trong trường học; phối hợp với các bộ ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đẩy mạnh các mô hình tư vấn tâm lý trong trường học.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác tư vấn tâm lý đang đứng trước nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện như chưa có biên chế chuyên trách, các văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp thực tế xã hội buộc các cơ sở giáo dục phải vận dụng linh hoạt, cải thiện các kỹ năng tư vấn cho học sinh.

Nhằm giúp các cơ sở giáo dục triển khai hiệu quả công tác tư vấn tâm lý trong trường học, năm học 2023-2024, Bộ GD-ĐT triển khai tài liệu hướng dẫn mô hình công tác xã hội trong trường học.

Tới đây, tài liệu sẽ được số hóa và được sử dụng như tài liệu tham khảo trong toàn ngành về triển khai công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội tại các cơ sở trường học.

Các nhà trường căn cứ nhu cầu và tình hình thực tế của đơn vị để triển khai tập huấn cho giáo viên, đồng thời tăng cường các hoạt động chia sẻ, học tập kinh nghiệm giữa các địa phương, cơ sở giáo dục để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý.

Cán bộ quản lý, giáo viên các trường học trên địa bàn huyện Bình Chánh (TPHCM) tham dự buổi tập huấn, sáng 2-11

Cán bộ quản lý, giáo viên các trường học trên địa bàn huyện Bình Chánh (TPHCM) tham dự buổi tập huấn, sáng 2-11

Theo PGS.TS Trần Thị Lệ Thu, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tư vấn tâm lý trong trường học hiện nay gồm phòng ngừa, tư vấn tâm lý cho học sinh, tư vấn cho giáo viên, tư vấn cho phụ huynh.

Hiện nay, học sinh đang đứng trước nhiều vấn đề bất cập như xem phim sex, quan hệ tình dục không phù hợp lứa tuổi, hút thuốc lá điện tử, trào lưu miệt thị ngoại hình người khác, rủ bạn đánh hội đồng, gây gổ, trộm cắp trong lớp, vi phạm nội quy trường, lớp…

Trong nhiều trường hợp, giáo viên không đặt mình vào hoàn cảnh học sinh nên dẫn đến suy nghĩ tiêu cực như học sinh chống đối giáo viên; học sinh bất trị, hỗn láo; phụ huynh không tin tưởng giáo viên…

"Giáo viên cần có kỹ năng quản lý cảm xúc, nói lời tử tế, tạo được sự tin tưởng với học sinh mới thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục học sinh", PGS.TS Trần Thị Lệ Thu cho biết.

Tin cùng chuyên mục