
Gặp ông một lần là nhớ mãi, cái dấu ấn đi vào lòng người ấy không phải chỉ là bộ râu quai nón rất rậm trắng như cước của ông, mà còn là nét hồn hậu của một hồn quê ẩn chứa trong tâm hồn người dân Nam bộ.
Ông nói, cười, nheo nheo mắt, ông biểu lộ cảm xúc trong từng vai diễn, đó là tất cả những gì của riêng một Bắc Sơn không hề lẫn lộn với ai... Bây giờ, ông ra đi, điện ảnh Việt Nam thực sự tìm đâu ra một ông già nguyên mẫu Nam bộ, là ông; một cá tính, một tâm hồn như hòa lẫn trong từng câu hò điệu hát của một hồn quê Nam bộ, là ông…

Bắc Sơn, cái tên ấy đã đi vào lòng người Sài Gòn và cả miền Nam hơn 30 năm trước. Bởi vì “Còn thương rau đắng mọc sau hè”* đã ngân nga, luyến láy và in vào tiềm thức người Nam bộ từ những vở kịch ngắn trong chương trình “Quê ngoại”, phát sóng hàng tuần trên màn ảnh nhỏ Sài Gòn cũ. Đó là những ngày ông phải gom góp từng đồng của bà con nghèo để cùng nhà văn Sơn Nam, Kiên Giang khơi gợi lại bếp lửa ấm nồng trong lòng bà con Nam bộ, những người đã phải bỏ quê lên phố mà lòng vẫn tràn đầy nỗi hoài niệm về tuổi ấu thơ và vùng quê nghèo yêu dấu của mình.
Mãi năm 1977, ông mới đến với điện ảnh bằng một vai diễn rất nhỏ - ông Tư xích lô trong phim “Cô Nhíp”, nhưng từ đó, cuộc đời ông có thêm một thánh đường nghệ thuật nữa để tôn thờ. Gọi là thánh đường hoàn toàn không ngoa với Bắc Sơn, bởi vì với ông, vào mỗi vai diễn như là một cuộc kiếm tìm chính bản thân mình, ông sống dằn vặt rất lâu cùng nhân vật. Và cái kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là nhân vật Hai Bạc Liêu trong phim “Người tìm vàng” của đạo diễn Đào Bá Sơn, một vai diễn để đời của Bắc Sơn, cũng là vai diễn mà ông cận kề với cái chết.
Năm 1989, bối cảnh quay sâu trong rừng Nam Cát Tiên, diễn viên phải ở trong lán, quần với bùn đất như người đào vàng thứ thiệt suốt 1 tháng trời. Ông bị sốt rét nặng vừa về thành phố và đang sốt, nhưng đạo diễn đến đề nghị quay tiếp cảnh bổ sung ở một nghĩa trang. Tiến độ phim đang cấp bách, cả đoàn không thể chờ ông khỏi bệnh. Thế là đi.
Giữa 2 giờ khuya, cảnh Hai Bạc Liêu bị hất xuống huyệt để chôn sống, ông lập cập bò lên, mặt tái xám, quỵ lên quỵ xuống và úp mặt xuống đất… Mọi người khi xem phim đều khen diễn xuất xuất thần của Bắc Sơn, có biết đâu, tất cả đều là thật, và sau cảnh ấy, ông đã hôn mê phải đưa đi cấp cứu. Bác sĩ đã kêu lên là nếu để trễ nửa tiếng nữa là hết cứu.
Nhắc lại chuyện đó, ai cũng toát mồ hôi, còn ông thì cười, nói đơn giản: “Đừng có nói tôi hy sinh cho nghệ thuật đến mức ấy, không phải đâu, mà chỉ vì trách nhiệm thôi. Làm sao tôi có thể để cho cả đoàn phim vì mình mà không hoàn thành kế hoạch được chớ”.
Ông nói âm nhạc và điện ảnh là cuộc sống của ông, mỗi lần theo đoàn phim ông lại sáng tác được một bản nhạc, gặp một cảnh quay khó, ông phải dùng chất nhạc của mình để diễn đạt tâm trạng nhân vật. Đó là cái cách rất riêng của ông, như khi muốn tìm giọt nước mắt đớn đau trong phim “Mùa săn máu” của đạo diễn Xuân Cường, ông đã tự viết nhạc và đến chỗ cao trào nhất của bài hát là lúc nước mắt ông tuôn ra ràn rụa…
Ông đã từng có hơn 60 vai chính, phụ, có những vai để lại dấu ấn mạnh như “Hai Bạc Liêu”, vai diễn để đời đã đưa ông đến vinh quang với Giải Diễn viên xuất sắc LHP Việt Nam lần IX (1990), như ông Sĩ trong “Xa và gần” của đạo diễn Huy Thành, Năm Ngưu trong “Vùng gió xoáy” của đạo diễn Hồng Sến…, nhưng cũng có những vai chỉ thoáng qua trên màn ảnh vài phút. Người nghệ sĩ ấy có thể nhận vai một ông già ăn mày thổi sáo thoáng qua 2 phút trên phim chỉ vì mê tiếng sáo do Hoàng Hiệp phổ hay quá…
Nghệ sĩ ưu tú Bắc Sơn đã đi xa..., người nghệ sĩ của một thế hệ từng xem nghệ thuật như thánh đường, mà khi đến đó, người ta phải đi bằng những bước chân rón rén để được thấm vào máu thịt từng sợi tơ rung lên từ tâm hồn và bằng nỗi đam mê mãnh liệt.
__________
* Tên bài hát của nhạc sĩ Bắc Sơn.
Tin liên quan:
Dùng toàn bộ tiền phúng điếu để ủng hộ quỹ dành cho nạn nhân chất độc da cam và làm từ thiện
NGÔ NGỌC NGŨ LONG