Hợp lực duy trì và phát triển đường sách

Nhiều người đã bày tỏ sự nuối tiếc khi hay tin “số phận” Đường sách Vũng Tàu. Vì sao Đường sách Vũng Tàu lại đang đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động sau 5 năm thí điểm?
Đông đảo học sinh tìm đọc sách tại Đường sách TPHCM
Đông đảo học sinh tìm đọc sách tại Đường sách TPHCM

Ngày 13-8, Đường sách TP Thủ Đức (trên tuyến đường Hồ Thị Tư, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, TPHCM) chính thức làm lễ động thổ. Ở nhiều địa phương khác cũng đang nghiên cứu và có kế hoạch thành lập đường sách. Vậy nhưng, Đường sách Vũng Tàu lại đang đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động sau 5 năm thí điểm.

Gặp khó do thiếu chính sách ưu đãi

Nhiều người đã bày tỏ sự nuối tiếc khi hay tin “số phận” Đường sách Vũng Tàu. Trên fanpage của đường sách này, tài khoản Nguyễn Ngọc Kim Ngân chia sẻ: “Đường sách Vũng Tàu là một nơi rất ý nghĩa không chỉ cho trẻ em mà còn với người lớn. Bởi nhờ nó mà mọi người có thêm nhiều kiến thức, mở mang tri thức, nếu dừng lại thì thật sự rất đáng tiếc”.

Lý do khiến Đường sách Vũng Tàu có nguy cơ phải dừng hoạt động, được đại diện UBND TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đưa ra, là đường sách này hiện nay rơi vào tình trạng ế ẩm, ít khách và hầu hết đã chuyển sang kinh doanh cà phê, nước giải khát. Ngoài ra, đề án Đường sách Vũng Tàu chưa được phê duyệt do vướng các quy định của pháp luật, chủ doanh nghiệp đầu tư đường sách còn nợ tiền thuê đất…

Mới đây, Đường sách TPHCM sơ kết 6 tháng đầu năm 2023, một lần nữa cho thấy sự thành công của mô hình đường sách khi được phát huy cao nhất công năng của mình. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, Đường sách TPHCM đạt doanh thu hơn 32 tỷ đồng (tăng 56% so với năm 2022). Ngoài doanh thu phần lớn từ sách, tại đây, doanh thu từ văn phòng phẩm, đồ lưu niệm cũng chiếm phần đáng kể. Đặc biệt, doanh thu từ 2 quán cà phê đạt 2,69 tỷ đồng (chiếm 8,35% tổng doanh thu), tăng 50% so với cùng kỳ.

Còn với chủ đầu tư Đường sách Vũng Tàu - ông Trương Quang Hòa, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ngôi sao biển Sài Gòn, cảm giác không khỏi hụt hẫng, hoang mang và tiếc nuối. “Từ một đường sách ít người dân Vũng Tàu biết đến, bây giờ đã trở thành một sân chơi quen thuộc thì đó không phải là chuyện kinh doanh ế hay đắt, không phải sách nhiều hay ít, mà đường sách này đã thực sự có cuộc sống của nó trong thói quen sinh hoạt của các gia đình ở Bà Rịa - Vũng Tàu”, ông Hòa nói.

Cũng theo ông Hòa, kinh doanh sách tại Đường sách Vũng Tàu gặp nhiều khó khăn nhưng đó là thời gian đầu. Về sau, NXB Kim Đồng có lượng khách hàng ổn định cho mảng truyện tranh, NXB Trẻ mở bán online ngoài bán sách tại chỗ. Ngoài ra, Đường sách Vũng Tàu vẫn giao dịch các gói sách dự án, các chuyến bán sách lưu động phối hợp làm hội sách ở các trường học trên địa bàn. “Việc nhà sách Phương Nam rời khỏi là do chính sách của họ thay đổi. Khi rút đi, họ để lại 6 gian trống và chúng tôi đã thay vào đó bằng Thư viện Thân thiện, bổ sung dịch vụ cà phê trong gian hàng sách để đáp ứng nhu cầu giải khát của khách hàng. Chúng tôi cũng điều chỉnh gian hàng sách thành gian thư pháp trong thời gian chưa có NXB tham gia”, ông Hòa thông tin thêm.

Về vấn đề nợ tiền thuê đất, theo ông Hòa, do pháp lý chưa rõ ràng, không có chính sách ưu đãi nên việc thu hút cũng như tái đầu tư của các NXB bị hạn chế dẫn đến việc thiếu sự hiện diện của các NXB lớn, sách thiếu sự phong phú và đa dạng làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đường sách. Và đây cũng là lý do dẫn đến việc công ty chưa thực hiện việc đóng tiền thuê đất.

Chia sẻ khó khăn này, ông Lê Hoàng, Giám đốc Đường sách TPHCM, cho rằng, các địa phương nên có chính sách miễn tiền thuê đất đối với các dự án đường sách. “Tại Đường sách TPHCM và Đường sách TP Thủ Đức đều không bị thu; nếu thu nữa sẽ là một gánh nặng vô cùng lớn đối với những đơn vị hoạt động văn hóa nói chung và các đơn vị xuất bản nói riêng”, ông Lê Hoàng cho hay.

Đa dạng hoạt động tại đường sách

Thực tế, số phận của các đường sách trên cả nước hiện nay cũng không giống nhau. Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) nằm ngay trung tâm TP Buôn Ma Thuột, có không gian đẹp, nhưng trái ngược với hình ảnh nhộn nhịp thường thấy của Đường sách TPHCM thì khu này hiện rơi vào cảnh đìu hiu. Là đường sách, nhưng nơi đây lại thiếu vắng... sách và những sự kiện, hoạt động liên quan đến sách. Trong số 7 gian hàng còn hoạt động, duy chỉ có 1 gian sách (Nhà sách Ánh Sáng), còn lại là các gian hàng cà phê, đồ lưu niệm, khu vui chơi cho trẻ em.

Một hoạt động của CLB Vui cùng sách sinh hoạt vào cuối tuần tại Đường sách Vũng Tàu

Một hoạt động của CLB Vui cùng sách sinh hoạt vào cuối tuần tại Đường sách Vũng Tàu

Ngược lại, từng có thời điểm khó khăn gần như phải dừng hoạt động, nhưng Phố sách Hà Nội đã “vượt khó” thành công. Bằng chứng là doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 của phố sách này đạt 7,7 tỷ đồng, cao hơn cả trung bình một năm giai đoạn 2018-2022. Phố Sách Hà Nội dài hơn 150m, gồm 19 gian hàng, trong đó có 16 gian sách, 3 gian cà phê sách và đồ lưu niệm...

Bà Nguyễn Ngọc Hà, Phó Trưởng ban Điều hành Phố sách Hà Nội, cho biết, sở dĩ Phố sách Hà Nội đạt được doanh thu như vậy là nhờ có sự quan tâm của Sở TT-TT TP Hà Nội và lãnh đạo quận Hoàn Kiếm. Qua đó, Phố sách Hà Nội đã có điều kiện để cải tạo lại không gian, đầu tư cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị để tổ chức sự kiện. Trong 6 năm qua, Phố sách Hà Nội đón gần 4 triệu lượt khách, tổ chức hơn 500 sự kiện. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, tổ chức thành công 86 sự kiện.

“Nếu có nhu cầu mua sách, người dân có thể mua ở nhiều nơi hoặc qua các kênh thương mại điện tử. Và có nhiều hình thức để đọc sách như mạng internet, Kindle, iPad, điện thoại… không nhất thiết phải đến phố sách mới mua được sách. Cho nên, người dân có đến phố sách đông hay không là nhờ có nhiều hoạt động, sự kiện. Đến tham quan và tham gia các hoạt động trải nghiệm ở phố sách, từ đó khuyến khích họ mua sách”, bà Nguyễn Ngọc Hà đúc kết kinh nghiệm tổ chức phố sách thành công.

Từ kinh nghiệm của mình, ông Lê Hoàng cho rằng, ngoài sức mua lớn, đường sách cần phải có sự hỗ trợ rất lớn từ địa phương, thông qua việc cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động về văn hóa đọc nói riêng, các hoạt động về văn hóa nói chung tại đường sách. Có như vậy mới giúp đường sách tồn tại, còn nếu để đường sách “tự bơi” thì rất khó.

- Ông TRƯƠNG QUANG HÒA, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ngôi sao biển Sài Gòn (chủ đầu tư Đường sách Vũng Tàu):

Cần có đánh giá một cách toàn diện

Chúng tôi mong chính quyền địa phương đánh giá thật kỹ công năng mô hình đường sách để có những phương án, chính sách hỗ trợ phù hợp để nó ngày càng phát triển. Việc căn cứ các quy định của pháp luật một cách cứng nhắc, không đánh giá toàn diện, những tác động của dự án đối với xã hội, cụ thể là phụ huynh, các em học sinh, những người đang trực tiếp thụ hưởng những thành quả mà đường sách mang lại, sẽ vô tình đưa dự án vào ngõ cụt.

- Nhà báo TRUNG NGHĨA, Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM năm 2023:

Chú trọng những nét văn hóa truyền thống địa phương

Tôi mạo muội nghĩ rằng, Đường sách TPHCM đã trở thành một sản phẩm văn hóa đương đại của thành phố. Mô hình này có thể lan tỏa, nhân rộng ở các địa phương khác với điều kiện xác định rõ không gian đường sách không chỉ để bán sách mà phải thực sự là “sân chơi” giao lưu, trò chuyện, hội thảo… về sách thường xuyên, đều đặn mới có thể thu hút công chúng đến đông đảo. Bên cạnh đó, thông qua những hoạt đồng này để “thổi hồn” vào đường sách những nét văn hóa truyền thống địa phương.

Tin cùng chuyên mục