Trước mắt sẽ tập trung hình thành sàn giao dịch heo hơi để làm nền tảng kết nối chăn nuôi và tiêu thụ giữa TPHCM với các tỉnh và giữa các tỉnh với nhau. Đồng thời, tạo tiền đề và cơ sở triển khai cho các mặt hàng nông sản, thủy sản khác; từng bước hình thành thị trường xuất khẩu chính ngạch.
Đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, sở đã làm việc với 5 doanh nghiệp FDI bao gồm CJ, CP, Emivest, Japfa và Velmart (chiếm 47% thị phần heo thành phố); Sagri food, Vissan (chiếm 3%) và khoảng 10 hộ ở tỉnh Đồng Nai (có số lượng xuất chuồng trên 500 con/năm).
Song song đó, sở cũng đã trao đổi với các đơn vị chăn nuôi thuộc khối FDI và trong nước để tổng hợp tình hình chăn nuôi, các phương thức giao dịch heo hơi từ công ty và các thương lái cũng như tình hình kinh doanh mặt hàng thịt heo tại đơn vị. Trên tinh thần ghi nhận ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, sở đã tổng hợp và hoàn chỉnh đề án sàn giao dịch hàng hóa và trình UBND TPHCM phê duyệt.
Ngoài ra, cùng với hoạt động này, sở đã thông báo tình hình quy hoạch giết mổ công nghiệp theo chỉ đạo của UBND TPHCM đến các đơn vị để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp.