Để vươn lên trong cuộc sống, với nhiều người bình thường đã không phải dễ, với những người bị khiếm khuyết một phần cơ thể lại càng khó. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn có nhiều người khuyết tật bằng quyết tâm, ý chí, nghị lực, họ không buông xuôi theo số phận, vươn lên học nghề, làm việc kiếm tiền nuôi sống bản thân và cả gia đình.

Nhờ sự chỉ dẫn tận tình của chú Phúc nênLê Hoàng Hiệp có cơ hội học nghề để mưu sinh
Người mẹ tật nguyền “nuôi” chữ cho con
Người dân sống trong các con hẻm ở phường 4, quận 4 (TPHCM) từ lâu đã rất quen thuộc với tiếng rao đứt quãng “É… vé… số đây” của chị Từ Thị Sơn (44 tuổi, quê Bình Định). Bởi bệnh tật nên chị nói chuyện rất khó khăn, nhưng vì mưu sinh, chị gắng sức cất tiếng rao không tròn vành rõ chữ. Hơn 12 năm trước, chị bị tai nạn trên đường đi bán vé số. Không lâu sau, khi sinh đứa con út, chị Sơn bị băng huyết sau sinh. Chân tay chị cứ yếu dần, rồi liệt hẳn. Trong cơn khốn khó của cuộc đời, chồng chị dứt áo ra đi, bỏ lại chị với một cơ thể tật nguyền và 3 đứa con nheo nhóc đang trong tuổi ăn, tuổi học. Nghĩ mình có thể chết, nhưng các con cần phải sống, chị gửi con ở quê nhờ bà ngoại chăm lo, còn mình đón xe vào TPHCM để bán vé số, kiếm tiền nuôi con. Sau bao đêm oán trách cuộc đời, rồi bình tâm lại, người phụ nữ khiếm khuyết ấy quyết tâm “phải cố gắng”, bởi các con đang cần chị.
Đưa tay lau mồ hôi trên trán, chị Sơn chia sẻ: “Mỗi ngày tôi bán 80 tờ vé số, tiền lời được 100.000 đồng. 30.000 đồng trả tiền thuê phòng, 10.000 đồng mua đồ ăn, còn 60.000 đồng để dành đến đầu tháng gửi về quê cho tụi nhỏ đi học. Được cái chúng nó học giỏi lắm”. Niềm vui của người mẹ ấy là khi các con khoe tờ giấy khen, vài quyển tập là phần thưởng của nhà trường cho thành tích học tập xuất sắc. Và đó cũng là động lực để chị tiếp tục dấn bước trong cuộc đời. “Tụi nhỏ nói sẽ ráng học giỏi để sau này có tiền trị bệnh và nuôi mẹ. Tôi thì chỉ cần chúng nó có tương lai tươi sáng, nhọc nhằn mấy tôi cũng vượt qua”, ánh mắt chị rạng ngời hạnh phúc khi nói về những đứa con. Có được đồng nào, chị dành dụm rồi gửi cho các con, còn mong ước có chiếc xe lắc tay để đi bán vé số được thuận lợi hơn, vẫn còn là ước mong của chị.
Em sẽ có một tiệm sửa xe
Một lần đến sửa xe tại tiệm Tân Phúc Mập gần chân cầu Chánh Hưng (quận 8, TPHCM), tôi ngạc nhiên khi thấy những người thợ sửa xe đa phần là người khuyết tật. Có người cụt chân, có người thiếu cánh tay nhưng tất cả đều làm việc rất chăm chỉ và thao tác nhanh nhẹn. Ngồi trên chiếc xe tự chế bằng miếng ván có 4 bánh xe, Lê Hoàng Hiệp (33 tuổi, quê Đồng Tháp) mở từng con ốc vít xe với đôi tay thoăn thoắt.
Bị liệt 2 chân từ nhỏ, ở quê, Hiệp chỉ biết sống nhờ ba mẹ. 15 năm trước, Hiệp theo bạn bè lên TPHCM tìm kế mưu sinh. Làm đủ thứ nghề từ công nhân đến bán vé số dạo để kiếm sống, rồi một lần nghe tiệm sửa xe chú Phúc nhận dạy nghề cho người khuyết tật miễn phí, Hiệp tìm đến với quyết tâm học lấy cái nghề. “Lang thang nhiều nơi, giờ em biết mình cần học lấy cái nghề phù hợp với sức khỏe để lo chuyện tương lai. Nói chị đừng cười, em mơ ước khi ra nghề sẽ mở một tiệm sửa xe. Giờ em vừa học nghề lại được chú Phúc bao ăn, ở, trả lương 3 triệu đồng/tháng. Em không dám tiêu xài, không sử dụng cả điện thoại di động, chỉ chú tâm học và làm để dành dụm tiền thực hiện ước mơ”, Hiệp bày tỏ niềm mong ước.
Cũng được ông chủ Phúc “mập” cưu mang và dạy nghề miễn phí, giờ đã ra nghề được 2 năm nhưng Lê Văn Triều (23 tuổi, quê An Giang) xin ở lại tiệm để tiếp tục làm việc, với mục đích được học hỏi thêm cũng như có cơ hội phụ chú Phúc hướng dẫn các bạn cùng cảnh ngộ. Triều bị mất một chân trong lần bị tai nạn khi đi giao cơm. “Ngày đó cứ nghĩ đời mình đã hết, may nhờ có chú Phúc dạy em biết cái nghề. Giờ thì em tự tin về bản thân rất nhiều”, Triều bộc bạch. Mấy năm nay, khi nhận được tiền lương, Triều gởi về quê nuôi ngoại. Bà ngoại của Triều không dám tiêu xài, dành dụm tiền để Triều thực hiện ước mơ mở một tiệm sửa xe nhỏ ở quê. “Hôm bữa ngoại điện thoại thăm em và nói ngoại đã dành đủ tiền để em mở tiệm. Em tính làm thêm thời gian nữa thì về quê. Giấc mơ về một tiệm sửa xe cho riêng mình, em sắp thực hiện được rồi. Nhất định khi có tiệm, em sẽ nhận các bạn khuyết tật vào học nghề miễn phí như chú Phúc đã làm cho chúng em” - Triều quyết tâm.
THÁI PHƯƠNG