
“Khả năng bùng phát dịch cúm H5N1 trên toàn cầu là rất lớn. Việt Nam là một trong những nước có khả năng xảy ra dịch trên diện rộng nhất của thế giới. Vì vậy, chúng ta phải huy động mọi nguồn lực của xã hội để đối phó với dịch cúm”. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như thế tại cuộc họp bất thường của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch cúm do Chính phủ tổ chức chiều qua 7-11, tại Hà Nội.
Có nguy cơ xảy ra dịch ở Việt Nam
Tại cuộc họp, Bộ Y tế chính thức xác nhận, trường hợp cúm gà vừa bị tử vong ở Hà Nội trong tháng 10-2005 là do nhiễm H5N1. Như vậy, từ khi có dịch cúm gà đến nay, Việt Nam đã có 42/92 người nhiễm virus H5N1 tử vong.
Tại các địa phương, chiều hướng tái phát dịch cúm gia cầm đã gia tăng nhanh- trong tháng 10 và đầu tháng 11-2005, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 9 xã, 8 huyện, thuộc 6 tỉnh, thành (Bạc Liêu, Đồng Tháp, Quảng Nam, Bắc Giang, Thanh Hóa và Hà Nội).

Chi cục Thú y TPHCM bắt đầu đợt phun thuốc tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch cúm gia cầm.
Số gia cầm chết và xử lý 20.684 con. Như vậy, so với cùng thời điểm năm 2004, thì năm 2005 dịch cúm đã xảy ra trên diện rộng hơn ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam- dịch xảy ra ở miền Bắc sớm hơn so với năm 2004. Nguy hiểm hơn, theo Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát, qua kiểm tra, xét nghiệm, có tới 60% thủy cầm ở Việt Nam (hầu hết được nuôi theo hình thức thả rông) đang mang trùng.
Việc vận chuyển, tiêu thụ và giết mổ gia cầm tại nhiều địa phương vẫn còn buông lỏng do chủ quan, khiến cho nguy cơ tái bùng phát dịch ở Việt Nam là hiển hiện và rất cụ thể.
Do vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảnh báo, nếu dịch cúm tiếp tục diễn biến theo chiều hướng bất lợi như trên, nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng GDP của năm 2006 có thể giảm 1%. Trường hợp xảy ra đại dịch thì sẽ ảnh hưởng lớn đến xã hội. Khi đó sẽ có tới 10% dân số Việt Nam (trên 8 triệu người) nhiễm cúm H5N1 và con số tử vong có thể là 1 triệu.
Tiêu hủy toàn bộ gia cầm chưa qua kiểm soát
Một đại dịch cúm gia cầm ở người là điều không thể tránh khỏi và hậu quả sẽ khôn lường nếu thế giới không sẵn sàng đối phó với đại dịch này. Đây là cảnh báo ngày 7-11 của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Lee Jong Wook nhân Hội nghị quốc tế về cúm gia cầm đang diễn ra tại Geneve (Thụy Sĩ). Ông Lee Jong Wook cho rằng có những tín hiệu ngày càng rõ ràng về một đại dịch cúm gia cầm ở người và đây chỉ còn là vấn đề thời gian. |
“Từ ngày 8-11, phải cho tiêu hủy toàn bộ số gia cầm vận chuyển, giết mổ và bày bán tại các chợ chưa qua kiểm dịch”. Đây là biện pháp được Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc đi, nhắc lại và yêu cầu lãnh đạo các địa phương và cơ quan chức năng kiên quyết thực hiện có hiệu quả để ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch cúm.
Song song đó, phải làm tốt công tác tiêm phòng kiên trì, liên tục, “không làm đầu voi, đuôi chuột”. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM phải tổ chức bằng được các chốt kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia cầm ra vào thành phố. Nếu thành phố nào để gia cầm chưa qua kiểm dịch lọt vào thành phố, Chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về vấn đề này.
Các lực lượng công an, quân đội, quản lý thị trường và các đoàn thể, tổ chức xã hội phải tổng động viên lực lượng để tổ chức vệ sinh tiêu độc tại các chuồng trại, cơ sở chăn nuôi tập trung và các chợ buôn bán gia cầm. Đây là những công việc cấp bách nhằm tạo nền móng ngăn ngừa nguy cơ xảy ra dịch cúm ở người.
Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ dành ưu tiên cao nhất cho nhiệm vụ phòng chống dịch cúm, trước mắt sẽ sử dụng tối đa nguồn lực từ ngân sách dự phòng quốc gia cho các mục tiêu đối phó với dịch cúm.
Các đoàn công tác của Bộ NN-PTNT sẽ liên tục kiểm tra, kiểm soát để phối hợp với các địa phương phát hiện kịp thời các ổ dịch và tổ chức tiêu hủy trước khi chúng lây lan trên diện rộng. Phấn đấu đến hết tháng 11-2005, hoàn thành tiêm vaccine cho 80% đàn gia cầm trên toàn quốc.
5 quy định chống dịch cúm gia cầm
Hôm qua 7-11, tại Hà Nội, đại diện Bộ Y tế đã thương thảo với đại diện hãng Roche của Thụy Sĩ (đang giữ bản quyền sản xuất thuốc Tamiflu) về vấn đề nhượng quyền sản xuất thuốc Tamiflu cho Việt Nam phòng chống dịch cúm gia cầm. Sau cuộc làm việc này, ông Cao Minh Quang, Cục trưởng Cục quản lý Dược Việt Nam cho hay: “Tuy hãng Roche rất thiện chí nhưng chưa trả lời chính thức về việc nhượng quyền, nên việc thương thảo sẽ tiếp tục diễn ra trong vài ngày tới. Dù vậy, Bộ Y tế vẫn khẳng định, Việt Nam chắc chắn sẽ sản xuất thuốc Tamiflu. Hôm nay 8-11, sẽ có một biên bản về những yêu cầu cụ thể của phía Việt Nam và cam kết thời gian cung ứng thuốc đối với hãng Roche”. Ông Cao Minh Quang cũng cho hay, Chính phủ Việt Nam đã làm đơn đặt hàng 25 triệu viên Tamiflu với hãng Roche. Còn hiện tại Việt Nam đã có 600.000 viên Tamiflu do Đài Loan viện trợ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã cam kết sẽ cung cấp 30 triệu viên Tamiflu cho các nước châu Á với nguyên tắc: Số thuốc này sẽ được ưu tiên không có biên giới, nhằm tạo ra vành đai an ninh y tế thế giới. WHO cũng đã đề nghị với hãng Roche: Nếu có tình huống xấu xảy ra, thì hãng này sẽ phải ưu tiên điều thuốc từ trong kho hoặc các quốc gia khác về Việt Nam. |
Hôm nay 8-11 |
NHÓM PV