Điều chỉnh chính sách
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,6% trong năm 2022 và trong năm 2023. Báo cáo của IMF chỉ rõ các quốc gia châu Âu sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm hơn, do vậy, các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển và mới nổi, sẽ chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm tại khu vực này.
Nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3,7% trong khi mức này đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc là 4,4%.
Tăng trưởng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được dự báo giảm xuống mức 2,8% trong năm nay, thấp hơn 1,1% so với mức dự đoán trước đó.
Theo IMF, Italy và Đức là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với các quốc gia châu Âu khác bởi nhu cầu năng lượng và các ngành sản xuất lớn của hai nước này phụ thuộc nhiều vào Nga. Đối với lạm phát, IMF dự báo lạm phát tại các nền kinh tế phát triển sẽ ở mức 5,7%, các nền kinh tế đang phát triển mới nổi là 8,7% trong năm nay.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá năng lượng và thực phẩm lên cao, làm trầm trọng thêm lạm phát, gây tổn thương hàng trăm triệu gia đình vốn đã phải vật lộn với thu nhập thấp hơn và giá cả cao hơn, đồng thời đe dọa làm gia tăng bất bình đẳng hơn nữa.
Do đó, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm cho cả năm 2022 và 2023, tác động của xung đột sẽ khiến dự báo tụt hạng cho 143 nền kinh tế trong năm nay - chiếm 86% GDP toàn cầu. Bà Kristalina Georgieva lưu ý rằng triển vọng rất khác nhau giữa các quốc gia, từ thiệt hại kinh tế thảm khốc ở Ukraine, sự suy giảm nghiêm trọng ở Nga, đến các quốc gia phải đối mặt với tác động từ xung đột thông qua các kênh hàng hóa, thương mại và tài chính.
Các ưu tiên trước mắt là chấm dứt căng thẳng ở Ukraine, đối đầu với đại dịch, giải quyết lạm phát và nợ nần. Bà Georgieva cũng nhấn mạnh những nỗ lực chống biến đổi khí hậu, đồng thời thúc giục các nhà hoạch định chính sách đón nhận cuộc cách mạng kỹ thuật số. “Trước tình hình lạm phát gia tăng, các ngân hàng trung ương nên hành động một cách quyết đoán, bám sát nhịp đập của nền kinh tế và điều chỉnh chính sách một cách hợp lý” - Giám đốc IMF nhận định.
Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển phải đối mặt với rủi ro gia tăng về “tác động lan tỏa tiềm ẩn” từ việc thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế tiên tiến, không chỉ chi phí đi vay cao hơn mà còn cả rủi ro dòng vốn chảy ra khỏi các quốc gia. Để giải quyết những thách thức này, các quốc gia cần chuẩn bị sử dụng đầy đủ các công cụ sẵn có, từ việc kéo dài thời hạn nợ và sử dụng tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái cho đến các biện pháp can thiệp ngoại hối và quản lý dòng vốn.
Hỗ trợ nước nghèo
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay từ mức 4,1% xuống còn 3,2%. Phát biểu với báo giới ngày 18-4 trước thềm cuộc họp mùa xuân của IMF và WB, Chủ tịch WB David Malpass cho biết, khu vực dự kiến sẽ bị hạ tăng trưởng nhiều nhất là châu Âu và Trung Á - với mức giảm 4,1%. Ngoài ra, dự báo tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển cũng bị cắt giảm do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao vì gián đoạn nguồn cung.
Ông Malpass cũng lưu ý, số nợ khổng lồ và lạm phát là hai vấn đề lớn mà tăng trưởng toàn cầu phải đối mặt. Trong khi đó, các nước nghèo đang phải gánh chịu với số nợ lớn, 60% nước thu nhập thấp đã phải đối mặt với tình trạng nợ nần hoặc có rủi ro cao.
WB đề xuất xây dựng một quỹ viện trợ khẩn cấp trị giá 170 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất đang bị ảnh hưởng vì nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau. Quỹ này sẽ kéo dài 15 tháng, đến hết tháng 6-2023, với khoảng 50 tỷ USD mà WB đặt mục tiêu huy động trong 3 tháng tới.
Quỹ khẩn cấp này sẽ tiếp tục nhiệm vụ vốn được triển khai trong đại dịch Covid-19 và hỗ trợ các nước đối phó với lạm phát gia tăng cũng như căng thẳng tài chính nghiêm trọng do nợ tăng cao.