

Các thành viên IRO trong một chuyến đi khám bệnh, tặng quà đồng bào nghèo.
Hàng ngàn người dân nghèo ở khắp các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, TPHCM, Miền Đông, Miền Tây Nam bộ được khám bệnh, phát thuốc miễn phí. Hàng trăm người được ánh sáng cuộc đời soi rọi nhờ các chương trình mổ mắt từ thiện.
Những người khuyết tật không xe lăn, kẻ nghèo khó không nhà hay những trái tim mang căn bệnh bẩm sinh… Họ bỗng chốc được thay đổi số phận! Làm nên điều kỳ diệu ấy là những người bạn Hàn Quốc hoạt động trong “Ban quan hệ từ thiện quốc tế” (IRO) trực thuộc Viện Nghiên cứu phát triển nông thôn VN (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn).
Gần 10 năm qua, trước cả khi IRO được thành lập (năm 2001) những người bạn Hàn Quốc này đã âm thầm có mặt trên những nẻo đường quê khô cằn sỏi để khám bệnh, phát thuốc, xây nhà tình thương, giúp người khó có tiền chạy chữa những căn bệnh hiểm nghèo.
Không mấy khi xuất hiện trên báo chí, truyền hình, chẳng ai tôn vinh, ca tụng nhưng đối với những người nghèo mà đoàn công tác đi qua, họ được xem như ân nhân, bằng hữu, những cái tên Hàn Quốc dù chẳng dễ dàng để nhớ, để gọi như: bác sĩ Chung Hyun Kee, bác sĩ Lee Sung Do, những doanh nhân Kim Jae Woon, Kim Mi Ra, Song Eun Ju; và cả những học sinh, sinh viên khi đến tham quan du lịch ở VN.
Người tổ chức sáng lập và đóng góp công sức không mệt mỏi cho những hoạt động xã hội từ thiện của những người bạn Hàn là ông Oh Duk (còn có tên Việt Nam rất dễ thương, gần gũi là Ngô Đức) – Trưởng ban của IRO, đồng thời là Chủ tịch Hội Quan hệ từ thiện quốc tế của Hàn Quốc.
Sinh năm 1957 tại Hàn Quốc, là một cựu chiến binh, từng là nhân chứng trước những thảm khốc của chiến tranh. Hơn ai hết ông thấu hiểu mất mát của những người dân nghèo khó. Năm 1993, số phận run rủi lần đầu tiên đưa ông đến VN thăm người anh trai lấy vợ, sinh sống ở TPHCM. Ý nghĩ làm từ thiện giúp ích cho người nghèo cũng đến với ông từ đó.
Về nước, ông đứng ra thành lập hội, kêu gọi bạn bè, thành viên tham gia đóng góp ủng hộ. Rồi ông trở lại VN bằng các chương trình khám bệnh, phát thuốc, tặng quà, làm vệ sinh môi trường ở những vùng quê nghèo như Long An, Bình Phước, Quảng Trị, Quảng Nam, TPHCM…
Ghi nhận đóng góp tích cực của những người bạn Hàn Quốc, năm 2001, Viện Nghiên cứu phát triển nông thôn VN do TS Phạm Quý Hiệp làm Viện trưởng đã đứng ra thành lập IRO và chính thức mời ông Oh Duk làm trưởng ban.
Tình yêu thương con người, lòng nhân ái cộng thêm trọng trách được giao phó khiến ông bận rộn hơn với các chương trình, các hoạt động xã hội từ thiện. Mỗi năm, đoàn công tác (chủ yếu là những người Hàn Quốc đang sinh sống, làm việc ở VN, Hàn Quốc và những người VN tình nguyện) đã tổ chức hàng chục chuyến đi khám bệnh phát thuốc, mổ mắt cho người nghèo, xây nhà tình thương, triển khai các dự án nước sạch, tặng máy lọc nước cho các hộ dân nghèo ở miền Trung…
Mỗi chuyến đi, ngoài công sức đóng góp của các thành viên các chi phí thuốc men, vật dụng lên đến hàng trăm triệu đồng. Không thể nói hết niềm vui và lòng biết ơn của những người dân nghèo nơi đoàn công tác đi qua, những lá thư, những lời nhắn gửi tri ân của nhân dân và chính quyền địa phương nhiều nơi trong cả nước là món quà quý giá động viên, tiếp sức cho họ.
Ông Lê Đình Nho - Chủ tịch UBND xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai khẳng định: “Đó là những nghĩa cử cao quý rất đáng trân trọng. Việc làm và sự giúp đỡ của những người bạn Hàn Quốc đối với người dân nghèo xã Sông Ray nói riêng và nhiều miền quê khác nói chung thể hiện tình yêu thương nhân ái và hữu nghị của cộng đồng Đông Nam Á”.
8 năm chính thức đi vào hoạt động, IRO đã đến hơn 30 tỉnh thành trong cả nước để thực hiện các chương trình xã hội từ thiện. Có một điều đặc biệt và khá độc đáo, dù là hội của những người tự nguyện nhưng họ lại gắn bó lâu bền, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc đang làm. Đến hẹn lại lên, mỗi chuyến đi, mỗi chương trình hoạt động của họ rất bài bản, làm việc hiệu quả và để lại ấn tượng tốt nhưng tuyệt nhiên không ai coi đó là việc làm to tát lớn lao.
“Làm được điều gì có ích cho người khác là bản thân mình cảm thấy nhẹ nhõm và hạnh phúc!” - bà Song Eun Ju, vợ ông Oh Duk, người đã theo chồng sang VN làm từ thiện từ 1995 đã nói như vậy bằng thứ ngôn ngữ VN khá chuẩn xác.
Kể lại một kỷ niệm thật xúc động và khó quên, ông Oh Duk cho biết: Đó là vào năm 2003 khi lần đầu tiên IRO hoàn tất thủ tục để đưa cô bé, tên Quỳnh, 17 tuổi, sang thủ đô Seoul - Hàn Quốc để thực hiện ca phẫu thuật tim bẩm sinh. Đích thân đưa bé Quỳnh đi chữa bệnh, ngoài sự lo lắng về bệnh tình, về thể trạng yếu đuối của cô bé, điều khó khăn nhất đối với ông là làm sao chăm sóc và giúp em làm vệ sinh cá nhân trong khi cô bé luôn e dè và chưa quen với môi trường xa lạ…

Khám bệnh cho người nghèo.
Sau nhiều sự cố gắng không đem lại kết quả, ông tìm đến một du học sinh VN (đã được IRO bảo trợ đi du học). Điều thật bất ngờ là trong thời gian chăm sóc cô em đồng hương VN ở bệnh viện, cô nghiên cứu sinh xa nhà đã chữa được cho mình căn bệnh trầm cảm để sống vui vẻ hòa đồng trở lại. Tình yêu thương con người đôi khi trở thành những phương thuốc kỳ lạ giúp hồi sinh những tâm hồn khô cằn.
Hàng ngàn người nghèo ở VN, ở Campuchia được chăm sóc sức khỏe, khám bệnh phát thuốc. Hàng trăm người được phẫu thuật mắt đem lại ánh sáng cho cuộc đời. Hơn 60 em nhỏ được đưa đi phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh do các bác sĩ tim mạch đầu ngành của Hàn Quốc thực hiện.
Hàng trăm chiếc xe lăn cho người khuyết tật, những căn nhà tình thương, những nguồn nước sạch cho đồng bào miền Trung – Tây Nguyên… vẫn chưa phải là tất cả những gì mà những người bạn Hàn – những thành viên của IRO đã và đang làm cho những số phận kém may mắn.
Điều lớn lao và có ý nghĩa cao đẹp hơn đó là những con người đầy ắp tình thương và lòng nhân ái. Nhiều người không biết đến vì họ chẳng bao giờ nói về mình, nhưng những người dân nghèo trên khắp nẻo đường quê VN lại luôn nhớ về họ
KHÁNH LINH