Italy cảnh giác

Từ khi ông Mario Draghi lên làm Thủ tướng Italy vào tháng 2-2021, đất nước “hình chiếc ủng” đã có những động thái cho thấy sự cảnh giác với dòng đầu tư từ Trung Quốc.

Cuối tháng 3, nội các Italy đã dùng quyền phủ quyết đặc biệt (quyền lực vàng) để ngăn chặn vụ Công ty Đầu tư Shenzhen Investment Holdings Co của Trung Quốc mua 70% cổ phần của Công ty Sản xuất thiết bị bán dẫn LPE ở Milan. Thế giới đang thiếu hụt chip điện tử nên ông Draghi nhận định, công ty này mang tính chiến lược. Đồng thời, Thủ tướng Draghi yêu cầu John Elkann, ông chủ Tập đoàn Exor, không bán lại cho Tập đoàn xe hơi Trung Quốc FAW chi nhánh của CNH (chuyên sản xuất xe tải và xe buýt Iveco) vì “lợi ích chiến lược quốc gia”. Vodafone Italy cũng áp đặt các điều kiện hết sức nghiêm ngặt cho Huawei về việc triển khai mạng 5G. 

Những động thái trên báo hiệu Chính phủ Italy đã nối lại cam kết ngăn chặn các công ty nước ngoài thâu tóm những tài sản chiến lược của nước này. “Quyền lực vàng” hiện cũng đang được Italy áp dụng đối với các ngành tài chính, tín dụng, bảo hiểm, năng lượng, giao thông vận tải, nước sạch, y tế, an toàn thực phẩm, người máy (robot), bán dẫn và an ninh mạng. 

Italy - vốn đang đứng hàng thứ 3 về nhận đầu tư Trung Quốc tại châu Âu, sau Đức và Anh - đang dần hình thành một chiến lược ngăn chặn mục tiêu thâu tóm của Bắc Kinh. Chính sách này của Italy được Pháp, Đức, Mỹ ủng hộ. Bên kia bờ Đại Tây Dương, Mỹ liên tục nhắc nhở phương Tây phải rất cẩn trọng về bản chất của các khoản đầu tư Trung Quốc vào nền kinh tế các nước phương Tây. Trong một báo cáo công bố ngày 8-6, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo rằng, nhiều khâu trong lĩnh vực nguyên liệu quan trọng và chiến lược của Mỹ đã chuyển ra nước ngoài. Báo cáo cho rằng, các quốc gia khác đã cố tình can thiệp để chiếm thị phần và ngành công nghiệp của Mỹ đã bị bỏ lại phía sau trong một cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Báo Le Monde mới đây có bài “Đối mặt với Bắc Kinh, Italy dựng lên một bức tường thành”, trong đó có nhận định: “...Ít cởi mở với Trung Quốc, Italy đang bám rễ chặt vào châu Âu và NATO”. Rõ ràng sau nhiều năm, từ việc xem Trung Quốc là một nguồn đầu tư sinh lợi, ngày càng nhiều nước phương Tây nhận thấy nguy cơ có thể đe dọa đến sự ổn định của họ, xa hơn là của toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục