Kể chuyện kiến trúc, di sản đô thị

Trong hành trình tìm hiểu về giá trị ngàn xưa, những bạn trẻ cùng nhau lan tỏa những nét đẹp của di sản kiến trúc. Đó cũng là một thành tố quan trọng cần được tìm hiểu và giữ gìn trong nhịp sống đương đại.
Chủ đề “Đình làng Việt” do nhóm thực hiện trên tạp chí Heritage
Chủ đề “Đình làng Việt” do nhóm thực hiện trên tạp chí Heritage

Người nay kể chuyện xưa

Thành lập từ năm 2019, nhóm Tản mạn kiến trúc thu hút hơn 37.300 lượt theo dõi từ cộng đồng mạng. Nhóm bắt đầu bằng những bài viết song ngữ Việt - Anh và hình ảnh về các công trình kiến trúc tại TPHCM, dần mở rộng đến nhiều tỉnh, thành lân cận. “Những bài viết, hình ảnh như những bước thể nghiệm đầu tiên để nhắc nhở về ý thức bảo vệ di sản. Do vậy, trọng tâm hoạt động của nhóm là khơi gợi sự hiểu biết và cùng nhau học hỏi. Nhóm chúng tôi cũng là những người trẻ nên chúng tôi có thể hiểu và chia sẻ được nỗi băn khoăn với cộng đồng trẻ, thấu hiểu người trẻ tìm kiếm gì, thiếu hụt những gì để từ đó xây dựng hướng hoạt động tương ứng”, Trương Trần Trung Hiếu, thành viên nhóm, chia sẻ. 

Nhóm hiện có 7 thành viên đến từ nhiều chuyên môn: kiến trúc, nhân học, nghệ thuật học so sánh, lịch sử, du lịch, từ 18-28 tuổi. Mỗi người một nhiệm vụ, tra cứu tư liệu, đi thực địa, vẽ minh họa và viết nội dung. Trịnh Nguyễn Anh Nguyên, thành viên nhóm, kể: “Đối với bài viết về những công trình cụ thể, nhóm bắt đầu bằng cách đi đến tận nơi, bởi kiến trúc chỉ bộc lộ toàn bộ vẻ đẹp khi chúng ta chiêm ngưỡng trong thực tế. Nhóm chụp ảnh, thực hiện bản vẽ và ghi chú, sau đó về nhà xử lý và phân loại các dữ liệu này. Dựa vào đó, nhóm nội dung sẽ viết bài, sau đó các thành viên cùng nhau xem qua, phản biện nội bộ trước khi giới thiệu đến cộng đồng”.

Từ những bài viết phân tích về các công trình kiến trúc trong thành phố, nhóm hướng tới khả năng đối thoại cùng cộng đồng và tổ chức những buổi thực địa để kết nối người trẻ yêu di sản cùng nhau đi đến những công trình cụ thể, cảm nhận vẻ đẹp đầy đủ của nó… Trung Hiếu bày tỏ: “Khi trò chuyện với những người sống trong công trình di sản, chúng ta mới có thể tạo ra những thay đổi tích cực, khi suy nghĩ từ góc độ cộng đồng”.

Theo dõi những bài viết từ nhóm khi fanpage vừa mới bắt đầu và tham gia một chuyến hành trình di sản, tham quan vài địa điểm tại khu vực trung tâm TPHCM, Đỗ Thanh Tuấn (26 tuổi, ngụ quận 4) chia sẻ: “Tôi làm trong lĩnh vực giáo dục nhưng rất thích những chia sẻ về các công trình kiến trúc, nhất là các công trình đã hơn 100 năm. Đọc bài phân tích và tham gia buổi đi thực tế do các bạn tổ chức rất thú vị”.

Mối quan tâm con người và di sản

Dù chỉ là một dự án bắt đầu từ mạng xã hội, các thành viên của nhóm đều chăm chút từng câu chữ và nhất là hình ảnh. “Phần lớn hình ảnh đều được nhóm thực hiện, bên cạnh hình ảnh xưa từ các viện lưu trữ. Chúng mình thực hiện các chuyến đi điền dã, để thực hiện các hình ảnh này”, Anh Nguyên chia sẻ thêm.

Và quá trình thực hiện bài viết của nhóm cẩn thận, tỉ mẩn từng chút: thực nghiệm công trình, thực hiện bản vẽ và ghi chú, xử lý các thông tin, tra cứu thêm tài liệu, thiết kế hình ảnh, và cuối cùng là biên tập chỉnh sửa trước khi chia sẻ với cộng đồng. Với những chủ đề phức tạp, nhóm cũng cải thiện trải nghiệm thị giác bằng việc xây dựng infographic để truyền tải thay vì chỉ viết bài và hình minh họa.

Các thành viên nhóm bắt đầu tình yêu với di sản kiến trúc từ mong muốn khám phá thành phố mình đang ở, hiểu được cái đẹp đã qua của di sản. Và không chỉ dừng lại ở kiến trúc đẹp, công trình trăm tuổi, mối quan tâm của nhóm bắt đầu rộng hơn. “Trong quá trình hoạt động cộng đồng, nhóm cũng trải qua một số sự thay đổi về hướng nghiên cứu. Khởi đầu, tụi mình chỉ quan tâm đến các thực thể kiến trúc cụ thể, nhưng dần dần nhận ra tầm quan trọng của con người, là những người sống trong những công trình ấy và cả những người đón nhận và yêu mến di sản. Chỉ khi thực sự quan tâm đến con người thì mới có thể tạo ra những thay đổi tích cực”, Trung Hiếu bày tỏ.

Nói về lý do để người trẻ hướng mối quan tâm về di sản đô thị, về những công trình tuổi đời gấp nhiều lần tuổi mình, các thành viên nhóm cùng quan điểm: “Dự án nào cũng ra đời trong một trạng thái cô độc và những người thực hiện cũng có những giai đoạn mất cảm hứng và muốn bỏ cuộc. Tuy vậy, sự động viên liên tục từ cộng đồng luôn giúp nhóm tiếp tục công việc, để thấy quanh nơi mình sống cũng có những điều thật đẹp và thú vị. Ngay từ đầu, nhóm đặt mục tiêu là lan tỏa tình yêu di sản và không có gì hạnh phúc hơn khi thấy những thông điệp của nhóm được hưởng ứng từ cộng đồng”.

Năm 2021, Tản mạn kiến trúc được Queen’s University Canada mời viết bài cho dự án nghiên cứu kiến trúc thuộc địa và được vinh danh trên tạp chí Heritage (ra đời vào năm 1993, ấn phẩm đầu tiên trên các chuyến bay của Vietnam Airlines về di sản, văn hóa, du lịch của Việt Nam).

Tin cùng chuyên mục