Hàng hóa ổn định, không tăng giá
Ghi nhận tại thị trường ở các địa phương phía Nam cho thấy, đến thời điểm hiện nay ngoài giá heo hơi tăng cao vì dịch tả heo châu Phi, các mặt hàng thiết yếu khác có giá ổn định, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán 2020. Sở công thương các tỉnh phía Nam cho biết, hiện người dân đã bắt đầu mua sắm những mặt hàng tiêu dùng cần thiết như thực phẩm khô, đồ dùng thời trang, giày dép... do được doanh nghiệp (DN), nhà sản xuất chung tay phối hợp giảm giá sớm.
Chẳng hạn ở Cần Thơ, thống kê của Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết địa phương này có 19 trung tâm thương mại và siêu thị, tăng 9 trung tâm so với năm 2009. Hiện các trung tâm mua sắm, siêu thị này đang giảm giá mạnh 15% - 50% với hàng ngàn mặt hàng, từ thời trang, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng đến thực phẩm thiết yếu để phục vụ mua sắm cuối năm của người dân. Do có sự giảm giá mạnh mà sức mua trong những ngày qua đã tăng đáng kể, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Tương tự ở Hậu Giang, hiện sức mua của người tiêu dùng đã tăng mạnh hơn so với nửa tháng trước. Theo Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, cũng như các mùa tết trước đây, mùa tết năm 2020 này người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang sẽ không phải lo hàng hóa tăng giá đột biến.
Bởi lẽ, đối với công tác bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu nói chung (lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng), trên cơ sở ký kết thỏa thuận kết nối cung cầu hàng hóa giữa Sở Công thương TPHCM, TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, hiện nay các tỉnh thành đã phối hợp trao đổi thông tin về tình hình thị trường dịp cận tết, trong trường hợp cần thiết có sự khan hiếm hàng hóa cục bộ, Sở Công thương Hậu Giang sẽ liên hệ các tỉnh, thành hỗ trợ, điều động nguồn hàng nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, góp phần bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh.
Ở các địa phương khác như Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, TPHCM, công tác chuẩn bị hàng tết cũng như bình ổn thị trường được ngành công thương thực hiện quyết liệt. Trong đó, TPHCM được đánh giá là địa phương đi đầu khi nhiều năm nay đã thực hiện tốt việc liên kết với Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp... để tìm nguồn hàng hóa thiết yếu (gồm nông sản, thực phẩm...) cung cấp cho người dân. Đặc biệt, TPHCM còn có mạng lưới bán lẻ hiện đại dày đặc, nhiều nhất cả nước, nên dù ở thời điểm nào, hàng hóa sẽ luôn được DN cam kết đảm bảo cung ứng đầy đủ mà không có sự biến động mạnh.
Đảm bảo cung ứng đủ nguồn heo dịp tết
Có thể thấy, năm 2019 do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi nên nguồn cung heo ở các địa phương đều giảm mạnh. Tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng thịt heo trên thị trường lại có xu hướng tăng cao hơn trong dịp cuối năm, nhất là trong cao điểm Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, ngành chức năng các địa phương đã cùng DN đầu mối cung cấp nguồn thịt “bắt tay” cân đối nguồn cung, ngăn chặn tình trạng đầu cơ tích trữ hoặc đưa nguồn thịt “bẩn” ra thị trường.
Là địa phương tiêu thụ lượng thịt heo nhiều nhất tại phía Nam, những ngày qua, các hệ thống siêu thị trên địa bàn TPHCM liên tục làm việc với đối tác là những trang trại chăn nuôi, DN giết mổ để chốt sản lượng thịt heo cung ứng ra thị trường từ nay tới tết. Đơn cử, Saigon Co.op đã làm việc với các nhà cung cấp lớn như VISSAN, Anh Hoàng Thy, Meat Hà Nam... để chốt phương án cung ứng hơn 3.500 tấn thịt heo an toàn, bán với giá thấp hơn thị trường.
Ở Long An, theo Sở Công thương tỉnh này, nguồn cung thịt heo dịp tết ở các địa bàn thành thị gần như tạm ổn do có sự cam kết cung ứng của nhiều đơn vị lớn như VISSAN, San Hà, 3 siêu thị Co.opmart Tân An, Bến Lức, Cần Giuộc... Đồng thời, từ nay đến Tết Nguyên đán 2020, Sở Công thương Long An sẽ tiếp tục phối hợp Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản, Cục Quản lý thị trường tỉnh thường xuyên nắm tình hình cung cầu, triển khai công tác chống đầu cơ tích trữ heo để chờ thời cơ tăng giá đột biến.
Còn ở Đồng Tháp, Sở Công thương tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp ứng phó kịp thời nhằm đảm bảo nguồn hàng cung ứng, bình ổn giá cho mặt hàng thịt heo vào dịp Tết Nguyên đán. Cụ thể là phối hợp với ngành nông nghiệp thống kê tình hình sản xuất, nguồn cung thịt heo, nhu cầu tiêu thụ của người dân để định hướng cho các DN kinh doanh, phân phối thịt heo chủ động trong việc tìm kiếm nguồn hàng cung ứng. Đồng thời làm đầu mối kết nối giữa các DN thu mua phân phối thịt heo, các cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn với các đơn vị sản xuất mặt hàng này trong và ngoài tỉnh để có kế hoạch thu mua và dự trữ phục vụ người tiêu dùng.
Nhìn chung, tính tới thời điểm hiện nay nguồn hàng cung ứng thịt heo ở các địa phương đều được DN cam kết sẽ đảm bảo. Đặc biệt, các sở công thương khu vực ĐBSCL và TPHCM còn thực hiện Biên bản thỏa thuận kết nối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường đối với mặt hàng thịt heo. Do đó, trong trường hợp một địa phương bị thiếu hụt hoặc tăng giá đột biến thì sẽ có sự hỗ trợ, huy động các DN sản xuất kinh doanh ở địa phương khác kịp thời điều tiết thị trường, nhằm bình ổn cho mặt hàng này.