Khắc phục khoảng trống pháp luật sau cai nghiện ma tuý

Dự thảo Luật có quy định khá cụ thể và chặt chẽ về quản lý (có thời hạn) đối với người sử dụng trái phép chất ma túy trong khi không quy định biện pháp quản lý người sau cai nghiện ma túy là chưa phù hợp. 
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11-9, một số khoảng trống trong dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi) đã được Ủy ban Về các vấn đề xã hội chỉ ra sau khi thẩm tra.

Bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Ủy ban cho biết: “Về nội dung cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng bổ sung các điều, khoản quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật về việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy công lập”. Quy định này cũng nhằm đảm bảo tính thống nhất với quy định tại khoản 6 giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định việc đưa trẻ em, người chưa thành niên đi cai nghiện bắt buộc.  

Vẫn theo cơ quan thẩm tra, cần nghiên cứu bổ sung vào luật quy định tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng vẫn nghiện ma túy.

Bên cạnh đó, về hỗ trợ xã hội sau cai nghiện ma túy và phòng, chống tái nghiện ma túy, dự thảo Luật bãi bỏ quy định về quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú và tại cơ sở cai nghiện, bổ sung quy định về hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy học nghề, tìm việc làm, tham gia chương trình phòng, chống tái nghiện ma túy, hoạt động xã hội.

Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội thấy rằng, dự thảo Luật có quy định khá cụ thể và chặt chẽ về quản lý (có thời hạn) đối với người sử dụng trái phép chất ma túy trong khi không quy định biện pháp quản lý người sau cai nghiện ma túy là chưa phù hợp. Do đó, đề nghị tiếp tục duy trì quy định quản lý sau cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy. Biện pháp quản lý này bao gồm phần nội dung tương tự biện pháp quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và thêm nội dung hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy học nghề, tìm việc làm, tham gia chương trình phòng, chống tái nghiện ma túy, hoạt động xã hội.

Liên quan đến nguồn lực trong tổ chức cai nghiện ma túy và hỗ trợ sau cai nghiện ma túy, bà Thuý Anh cho biết, có ý kiến đề nghị quy định rõ ngay trong dự thảo Luật nguyên tắc đóng góp của người nghiện ma túy, gia đình của người nghiện ma túy và nguyên tắc xét giảm hoặc miễn đóng góp kinh phí cai nghiện ma túy đối với các trường hợp khó khăn.

Tin cùng chuyên mục