Khắc phục tình trạng hình thức trong các phiên chất vấn của HĐND

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, HĐND các tỉnh còn những hạn chế cần quan tâm, khắc phục như, tình trạng gửi tài liệu dự thảo, báo cáo chậm, ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban; hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức…

Ngày 6-4, tại An Giang, Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với HĐND tỉnh An Giang tổ chức “Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026”. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Với chủ đề “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thường trực HĐND”, hội nghị là cơ hội để HĐND các tỉnh, thành học tập cách làm hay, kinh nghiệm quý báu của các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL để áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của HĐND, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Khắc phục tình trạng hình thức trong các phiên chất vấn của HĐND ảnh 1 Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp đã và đang có nhiều đổi mới rõ rệt, tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách theo quy định.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND các cấp đều tham gia cấp ủy địa phương; chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND được chú trọng; nhiều tỉnh đã ban hành đề án “nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp”, giúp hoạt động của HĐND ngày càng chủ động, thực chất, phát huy trí tuệ của tập thể, áp dụng công nghệ thông tin để tổ chức các kỳ họp hiệu quả…

Đồng chí Trần Thanh Mẫn yêu cầu, hoạt động giám sát phải được bảo đảm công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, nội dung giám sát bám sát với yêu cầu thực tiễn, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và hoạt động của cơ quan nhà nước ở địa phương. Từ thực tiễn khẳng định mỗi đại biểu HĐND là hạt nhân đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, HĐND các tỉnh còn những hạn chế cần quan tâm, khắc phục như tình trạng gửi tài liệu dự thảo, báo cáo chậm, ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra của các Ban; hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức; giám sát hiệu quả chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề còn ít.

Việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát của một số cơ quan còn hạn chế. Hoạt động giải trình tại các phiên họp của thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức. Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có khi còn chậm.  

Khắc phục tình trạng hình thức trong các phiên chất vấn của HĐND ảnh 2 Tỉnh An Giang trao cờ đăng cai hội nghị lần 2 cho tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Q.BÌNH

Năm 2021 là năm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ, song hoạt động của thường trực HĐND các tỉnh, thành ĐBSCL đạt được kết quả khá toàn diện trên nhiều mặt. Nhất là đưa ra nhiều chính sách, biện pháp vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội ở địa phương; thực hiện tốt vai trò điều hòa hoạt động các Ban HĐND và Tổ đại biểu HĐND; duy trì tốt các phiên họp thường trực HĐND định kỳ… 

Tin cùng chuyên mục