Hôm qua, 7-12, kỳ họp thứ 19 của HĐND TPHCM đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo. Đến dự có các đồng chí: Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Dương Quan Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP và đại diện lãnh đạo các sở ngành, quận huyện, tổng công ty. Trong phần thảo luận tổ, nhiều vấn đề dân sinh đã được các đại biểu mổ xẻ…
Tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài báo cáo kết quả tình hình KT-XH năm 2010, nhiệm vụ năm 2011 và đề nghị HĐND TP xem xét các tờ trình; Ban VHXH báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện “Năm 2010 - Năm thực hiện nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị”; Ban Pháp chế HĐND TP thẩm tra công tác của Chánh án TAND TP, Viện trưởng Viện KSND TP, thẩm tra tờ trình biên chế sự nghiệp năm 2011; Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP thông báo hoạt động tham gia xây dựng chính quyền TP và Phó Chủ tịch HĐND TP Trương Thị Ánh báo cáo kết quả thực hiện giám sát năm 2010, dự kiến chương trình hoạt động giám sát năm 2011 của HĐND TP.
Tăng trưởng cao nhưng vẫn gây bức xúc
Hầu hết đại biểu đều đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế của TPHCM trong năm 2010, song không giấu được băn khoăn. ĐB Nguyễn Văn Bạch thẳng thắn: Báo cáo kết quả KT-XH năm 2010 của UBND TP thành tích nói nhiều; nguyên nhân, hạn chế lại không nói rõ.
ĐB Phạm Minh Trí đồng tình với các đánh giá về các chỉ tiêu, sự tăng trưởng, nhưng cho rằng TP còn “nhập nhèm” giữa khó khăn và yếu kém. Theo ông, không thể đổ thừa những yếu kém đang diễn ra là do cơ chế chính sách hiện hành chưa phù hợp mà cần nhìn thẳng vào sự thật, yếu kém xuất phát từ chỉ đạo, điều hành của chúng ta. Quản lý đô thị còn bất cập dẫn đến tăng trưởng GDP cao 11,5% của TP đang tỷ lệ thuận với những bức xúc về các vấn đề an sinh xã hội như: kẹt xe, ngập nước, lạm phát cao, giá cả leo thang. Người dân đặt câu hỏi: GDP cao để làm gì? Người thu nhập trung bình và thấp được hưởng lợi gì? Nền kinh tế được gì từ việc tăng GDP trong khi phải trả giá bằng việc mất cân đối kinh tế vĩ mô, khoảng cách giàu nghèo gia tăng?
| |
Theo ĐB Võ Văn Sen, vai trò trung tâm vùng kinh tế trọng điểm của TPHCM ngày càng sụt giảm. “Tôi nhất trí lời nhận định của Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo là TP phát triển chưa tương xứng với tiềm lực. TP là trung tâm thương mại, công nghiệp nhưng các lĩnh vực này chưa phát huy tiềm năng. Ngay cả lĩnh vực kỹ thuật cơ khí dù có trang bị máy móc mới nhưng vẫn lạc hậu so với thế giới. Tôi đề nghị tổng rà soát lại toàn bộ hệ thống thiết bị máy móc, nếu không sẽ không thể cạnh tranh nổi”, ĐB Võ Văn Sen nói.
ĐB Nguyễn Hữu Thọ tiếp lời: “Chúng ta cứ ca ngợi ngành công nghiệp của chúng ta phát triển nhưng chỉ riêng ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, bao năm nay vẫn giậm chân tại chỗ. Ngành công nghiệp hàng tiêu dùng thì còn tệ hơn. Hiện nay phải nhập siêu hầu hết các mặt hàng thiết yếu như nồi cơm điện, tăm tre, sữa…”.
ĐB Nguyễn An Bình đề xuất: TP phải chú trọng giữa phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng sống của người dân. Bởi vì người dân không quan tâm đến các chỉ tiêu, con số mà họ chỉ quan tâm đến những gì xảy ra quanh mình. Đi lại thuận tiện hơn, ra đường được an toàn hơn, không nơm nớp lo sợ sụp hố tử thần, sống chung với triều cường, ngập lụt…
| |
Đừng để con cháu... khát nước
Khai khác nước ngầm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lún sụp ở TP thời gian qua. Đây là lời nhận định của nhiều đại biểu. ĐB Võ Văn Sen nói: “Tình trạng khai thác nước ngầm vô tội vạ gây sụp lún đã được cảnh báo từ nhiều năm nay nhưng đến giờ TP vẫn không kiểm soát được. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài nói đến năm 2013 cơ bản chấm dứt khai thác nước ngầm. Tôi không biết lộ trình thực hiện như thế nào nhưng nếu cứ để khai thác vô tội vạ kiểu này đến năm 2013 thì lún sụp không chịu nổi. Không có nước nào hủy hoại nguồn nước ngầm như chúng ta… Đừng để “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.
ĐB Huỳnh Công Hùng cho rằng nhiều khu vực ngoại thành vẫn chưa có nước máy nên phải sử dụng nước ngầm. Trước mắt cần phải khoanh vùng hạn chế. Lẽ ra tất cả khu công nghiệp không cho phép khai thác nước ngầm nhưng theo báo cáo của Sở TN-MT thì Bộ TN-MT cấp phép. Nếu xảy ra sụp lún TP, bộ có chịu trách nhiệm xử lý không? Theo ĐB Phạm Văn Đông, đối với khu dân cứ mới tập trung dù chưa có quy hoạch nhưng nên phát triển mạng lưới cấp nước để hạn chế việc khai thác nước ngầm.
Ngập nước, “hố tử thần”: không thể đổ lỗi cho khách quan
Bức xúc trước nạn ngập nước, “hố tử thần”, ĐB Võ Văn Sen cho rằng, TP đang triển khai rất nhiều công trình thoát nước lớn nhưng qua phát biểu trên phương tiện truyền thông của các cơ quan chức năng thì sau khi các công trình này phát huy tác dụng cũng chưa thể giải quyết tình trạng ngập lụt ở TP. Thời gian tới, HĐND TP cần tăng cường rà soát, giám sát các công trình này.
ĐB Phạm Văn Bạch nói thêm: Lo lắng nhất, mỗi khi triều cường lên là ngập nước, bờ bao bể… Phải làm rõ trách nhiệm chứ không thể cứ tiếp tục đổ lỗi cho khách quan. ĐB Nguyễn Thị Kim Dung đề nghị: TP nên quan tâm xây dựng hệ thống đê bao để ứng phó với tình trạng nước biển dâng vì nhiều khu vực ở huyện Cần Giờ người dân rất lo lắng.
Liên quan đến “hố tử thần”, ĐB Trần Quang Phượng đề xuất TP cần tổng rà soát và đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng (ống cấp nước, thoát nước…) đã cũ. Nhiều ý kiến ĐB cho rằng TPHCM không thể cứ bị động đối với chuyện chống ngập, hố “tử thần”.
Tính đến 17 giờ ngày 7-12, HĐND TP đã nhận được 128 câu chất vấn của 14 đại biểu HĐND TP. Có 25 đơn vị được chất vấn, trong đó nhiều nhất là UBND TP (22 câu) và Sở GTVT (21 câu).
Hôm nay (8-12), ngày làm việc thứ 2, các ĐB sẽ thảo luận tại hội trường, làm công tác nhân sự và HĐND sẽ thông qua một số nghị quyết.
VÂN ANH – HỒNG HIỆP
Thông tin liên quan:
>> Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo: Bàn sâu giải pháp các vấn đề bức xúc