Khai mạc liên hoan Đờn ca tài tử cấp quốc gia và Lễ hội bánh dân gian Nam bộ

Tối 7-4, UBND TP Cần Thơ phối hợp với Bộ VH-TT-DL tổ chức lễ khai mạc Liên hoan Đờn ca tài tử cấp quốc gia lần thứ 3 với chủ đề “Hồn Việt phương Nam” và Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ 9, tại quảng trường quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.
Tiết mục văn nghệ khai mạc Liên hoan Đờn ca tài tử cấp quốc gia

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Hùng, Bộ Trưởng Bộ VH-TT-DL.

Theo Bộ Trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, đờn ca tài tử (ĐCTT) phản ánh tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến của dân tộc ta, vừa mang những nét đặc trưng của cư dân vùng đất phương Nam vốn cần cù, bình dị, chân thật, phóng khoáng, nghĩa hiệp, can trường nhưng rất đỗi nhân văn.

Tính độc đáo của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ do cộng đồng 21 tỉnh, thành Đông Nam bộ và Tây Nam bộ của Việt Nam cùng nhau bảo tồn, trao truyền từ đời này qua đời khác, đảm bảo tính tiếp nối liên tục.

Đó là những tiêu chí quan trọng để Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO chính thức công nhận Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ nằm trong Danh sách Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 5-12-2013.

Đây không chỉ thể hiện sự quan tâm, trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế mà còn là niềm vinh dự, tự hào lớn của người dân Việt Nam nói chung và của các tỉnh, thành Nam bộ nói riêng. Việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ là một nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển văn hóa, đồng thời thực hiện đầy đủ các cam kết với UNESCO đối với các di sản đã được công nhận.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Liên hoan ĐCTT cấp quốc gia lần thứ 3 và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ 9 - Cần Thơ năm 2022 là một trong những sự kiện cụ thể hóa chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, ĐCTT đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Nam bộ. Đây thật sự là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa to lớn, góp phần phát triển phong phú, đa dạng kho tàng văn hóa nghệ thuật thế giới. Còn Bánh dân gian Nam bộ là loại hình văn hóa ẩm thực đặc trưng của người dân vùng đất phương Nam, được hình thành trong quá trình lao động, sản xuất, giao thoa giữa các cộng đồng người. Họ đã sáng tạo, kết hợp gạo, nếp cùng những sản vật thiên nhiên ban tặng, chế biến thành nhiều loại bánh dân gian hấp dẫn với hương vị thơm ngon, đậm đà.

Ông Trần Việt Trường khẳng định, sự kiện lần này có ý nghĩa bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Đồng thời, tiếp tục tôn vinh, quảng bá ẩm thực Việt Nam nói chung, bánh dân gian Nam bộ nói riêng. Qua đó nâng cao hơn nữa vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là cơ hội đẩy mạnh xúc tiến, giới thiệu các giá trị văn hóa, tài nguyên và sản phẩm du lịch độc đáo đến bạn bè, du khách gần xa, đánh dấu hoạt động mở cửa du lịch trở lại. Hội thi năm nay, có 21 đội dự thi ở các tiết mục: nghệ thuật ĐCTT và Không gian ĐCTT. 

Các hoạt động trong khuôn khổ liên hoan gồm: Hội thi nghệ thuật ĐCTT; Không gian ĐCTT với sự tham gia của 21 tỉnh, thành Nam bộ; Triển lãm Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam.

Trước đó, ngày 6-4, Hội thi nghệ thuật ĐCTT đã diễn ra với tiết mục mở màn đến từ Đội chủ nhà TP Cần Thơ.

Tin cùng chuyên mục