Tùy tiện nạo vét lòng hồ
Tính đến tháng 8-2018, Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa đã thẩm định 6 hồ sơ đề án nạo vét cát tại các lòng hồ chứa của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa và trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt đề án nạo vét tại 6 hồ chứa, gồm: Đá Bàn, Suối Trầu, Cam Ranh, Tà Rục, Suối Dầu, Suối Hành. Ngoài ra, sở cũng tham mưu UBND tỉnh gia hạn thời gian nạo vét đối với hồ Suối Trầu vào năm 2018 (gia hạn 5 năm) và hồ Đá Bàn vào năm 2017 (gia hạn 9 tháng).
Tính đến nay, các đơn vị thi công đã thực hiện nạo nét được khối lượng cụ thể như sau: hồ Suối Trầu 30.925m3 (khoảng 30% phương án), hồ Cam Ranh 47.439m3 (khoảng 5%), hồ Tà Rục 10.305m3 (khoảng 2%), hồ Suối Dầu 180.000m3 (khoảng 38%), hồ Đá Bàn 33.036m3 (khoảng 6%); Riêng hồ Suối Hành chưa khai thác.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy lợi, sở đã định kỳ tổ chức kiểm tra nạo vét các hồ chứa. Qua kiểm tra, đơn vị quản lý hồ chứa mới chỉ thực hiện các biện pháp giám sát theo dõi như: cử nhân viên kiểm tra và yêu cầu đơn vị thi công thực hiện nạo vét đúng phạm vi cho phép. Tuy nhiên, nhiều hồ không có camera theo dõi, giám sát tại một số vị trí nạo vét. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư cũng chưa lập sổ nhật ký theo dõi khối lượng nạo vét hàng ngày, mua sắm thiết bị quan trắc (máy đo độ sâu, đo độ đục của lòng hồ) để phục vụ công tác kiểm tra.
Tại khu vực hồ Suối Trầu (thị xã Ninh Hòa), việc nạo vét hết sức khó hiểu vì những hố đất loang lổ được tạo ra do hoạt động khai thác đất. Theo ông Lê Bá Thuận, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, dự án nạo vét vật liệu xây dựng bồi lắng ở hồ Suối Trầu diễn ra 3 năm nay. Nhưng việc khai thác, nạo vét lại sai thiết kế, không cắm mốc, tùy tiện, nên địa phương rất khó giám sát.
Theo nhìn nhận của ông Thuận, chủ trương nạo vét hồ đập để phục vụ sản xuất nông nghiệp địa phương là đúng, nhưng khi thực hiện thì còn nhiều điều bất cập. Về nguyên tắc khi cải tạo, nạo vét thì phải cắm mốc, có camera giám sát, có hồ sơ phương án, tiến độ để địa phương có căn cứ giám sát việc nạo vét có đúng hay không. Tuy nhiên, dự án nạo vét tận thu ở hồ Suối Trầu, đơn vị thi công cứ “nắng thì làm, mưa nghỉ”. Không những trễ tiến độ mà rất tùy tiện: chỗ này đào một hố, chỗ kia một hố, điều này là không đúng.
“Trách nhiệm giám sát là trách nhiệm của Sở NN-PTNT khi tham mưu cho Sở TN-MT, UBND tỉnh ra giấy phép nhưng lại không giám sát gì”, ông Thuận cho biết.
Biến dạng dự án nạo vét
Trong kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa mới đây, nhiều đại biểu nêu ra: Các giấy phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ cung cấp cho thị trường hơn 700.000m3/năm, trong khi điều tra nhu cầu thực tế cung cấp cho thị trường là 2 triệu m3/năm. Nếu đúng như báo cáo nêu, thì 2/3 lượng cát còn lại lấy từ đâu, trong khi địa phương không nhập cát từ nơi khác? Phải chăng, con số đó phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra nhiều nơi, chiếm đến 2/3 lượng cát cần dùng.
Về vấn đề này, ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa, cho rằng cơ chế phối hợp giữa ngành TN-MT với các địa phương đã phân công rõ trách nhiệm, nhưng để đồng bộ đạt hiệu quả cao thì chưa làm được. Theo ông Thái, nhiều biện pháp đưa ra, nhưng quy chế quản lý còn chồng chéo. Có phân công nhiệm vụ hẳn hoi, nhưng khi xảy ra sự việc thì lúng túng, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Dù việc khai thác diễn ra nhốn nháo nhưng điều lạ là ngày 10-8 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản đồng ý cho phép gia hạn việc nạo vét vật liệu xây dựng bồi lắng đến ngày 31-12-2018. Nhưng trước đó, từ ngày 3-4-2018, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10 của Ban thường vụ Tỉnh ủy, trong đó yêu cầu tạm dừng việc cấp phép mới các hoạt động khai thác khoáng sản và tăng cường quản lý việc khai thác cát, đất, đá, sỏi trên địa bàn tỉnh. Như vậy, việc ban hành các quy định của UBND tỉnh Khánh Hòa có nhiều mâu thuẫn.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, khai thác cát lậu và dự án nạo vét là những vấn đề không mới nhưng chưa được giải quyết triệt để. UBND tỉnh cần rà soát lại, từ khi có Chỉ thị 10 về việc quản lý tài nguyên khoáng sản đến nay các địa phương đã thực hiện như thế nào?
“Chúng tôi quan tâm chủ trương cho nạo vét các lòng hồ thủy lợi để phục vụ cho sản xuất hay là “biến dạng” trong việc nạo vét, tận thu cát đất trong khu vực lòng hồ. Qua kiểm tra, dự án không nạo vét trong lòng hồ mà nạo vét xung quanh hồ, khai thác đất cát. Ngay cả văn bản truyền đạt ý kiến kết luận của UBND tỉnh về việc cho phép nạo vét lòng hồ cũng nên xem xét trở lại”, ông Tuân đề nghị.