* Cần có lực lượng cảnh sát du lịch
Ngành du lịch TPHCM đã có bước phát triển mạnh mẽ, đã trở thành một ngành kinh tế, dịch vụ quan trọng, đóng góp 11% GDP cho TP. Trong chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong thời gian tới, TPHCM đã xác định thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM về vấn đề này.
* Phóng viên: Nhiều năm qua, TPHCM được biết đến là trung tâm du lịch của cả nước, lượng khách quốc tế đến TPHCM chiếm trên 60% tổng lượng khách, cao hơn so với mức chung của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ này đang giảm dần, còn 56%. Phải chăng TPHCM đang mất đi thế mạnh này, thưa ông?
* Ông Lã Quốc Khánh: Dù chịu tác động mạnh từ suy giảm kinh tế toàn cầu nhưng theo nhận định của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), ngành du lịch vẫn tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm 22% tổng lượng khách quốc tế toàn cầu, có tốc độ tăng trưởng 8%, mức tăng cao nhất so với các khu vực khác trên thế giới (mức tăng bình quân của du lịch toàn cầu là 5%). Tôi cho rằng, mức tăng trưởng vượt mục tiêu đạt 10% khách quốc tế đến TPHCM trong năm qua chứng tỏ TPHCM vẫn là điểm đến hấp dẫn du khách. Trong năm 2013, TPHCM vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 8%, đón khoảng 4,1 triệu khách quốc tế, so với mục tiêu tăng 5,5% của ngành.
Trên thực tế, ngoài điểm mạnh là trung tâm kinh tế, du lịch lớn, TPHCM còn có nhiều lợi thế riêng thu hút khách du lịch. Yếu tố khí hậu ấm áp của phương Nam là một lợi thế để thu hút thêm lượng khách tiềm năng khu vực Đông Bắc Á, Bắc Âu. Lượng khách này có thể đi ra các tỉnh phía Bắc nhưng vẫn phải về TPHCM. Hơn nữa, TPHCM được xem là nơi hội tụ các “món ngon” của tất cả vùng miền trong nước và của nước ngoài. Ẩm thực đã trở thành một điểm mạnh du lịch Việt Nam, ngồi tại TPHCM, du khách vẫn có thể thưởng thức được hương vị, đặc sản của các vùng miền, của các nước khác…
So với mức tăng trưởng nóng ở mức 2 con số như vài năm trước đây thì mức tăng hiện tại “sát” với điều kiện thực tế, sẽ đảm bảo tính ổn định hơn. Du lịch TPHCM sẽ xây dựng hướng phát triển bền vững, đi sâu vào chất lượng dịch vụ, sản phẩm.
* Ông có thể chia sẻ áp lực cạnh tranh và khó khăn trong việc thu hút khách quốc tế mà ngành du lịch TPHCM đang đối diện?
* Khó khăn của du lịch TPHCM lại là cơ hội cho các điểm đến ở địa phương khác. Tuy nhiên xét về tổng thể thì đây là điều tốt cho cả ngành du lịch. Với thực tế đang diễn ra thì nhiều khả năng các thị trường khách tiềm năng sẽ không còn tăng trưởng nhiều. Lâu nay lợi thế lớn nhất của du lịch TPHCM là vai trò trung tâm cửa ngõ, có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, nhưng thời gian tới du khách ở các thị trường tiềm năng như Nga, Bắc Âu có thể bay trực tiếp đến Cam Ranh, hoặc bay thẳng đến Đà Nẵng bằng máy bay thuê… Ngoài ra, nhiều sân bay ở khu vực phía Nam như Cần Thơ, Phú Quốc đều được đầu tư, nâng cấp thành sân bay quốc tế. Với đặc thù kinh tế đặc khu, khách quốc tế đến Phú Quốc 15 ngày không cần visa… điều này chắc chắn sẽ tạo ra một áp lực cạnh tranh giữa TPHCM và các tỉnh.
* TPHCM sẽ phải làm gì trước thách thức trên?
* Những gì mà ngành du lịch TPHCM có được trong thời gian qua không hẳn chỉ chờ vào yếu tố “trung tâm trung chuyển”. Thực tế, vấn đề xúc tiến, quảng bá giữ vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Với sự đầu tư của TP trong những năm gần đây đã mang lại kết quả tích cực thấy rõ. 5 năm trước, du lịch chỉ đóng góp khoảng 6% GDP của TP, với mức đầu tư cho công tác xúc tiến, quảng bá chỉ khoảng 4,5 tỷ đồng. Và những năm gần đây, kinh phí cho xúc tiến, xây dựng sản phẩm đã tăng dần lên từ 9,7 tỷ đồng năm 2011 lên 12 tỷ đồng trong năm 2012. Tuy nhiên, so với nhiều nước trong khu vực thì chi phí dành cho xúc tiến du lịch của TP vẫn còn khiêm tốn.
Để thực hiện chiến lược phát triển du lịch, TPHCM đã xác định phải chuyên nghiệp hóa công tác quảng bá. Vì vậy, UBND TPHCM đã quyết định thành lập Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP. Trung tâm này sẽ giải quyết hạ tầng thông tin du lịch. Theo đề án này, trong thời gian từ nay đến 2015, trung tâm sẽ xây dựng tổng đài điện tử cho người nước ngoài, cổng thông tin điện tử chuyên về du lịch, thành lập mạng lưới văn phòng thông tin ở sân bay và khu vực trung tâm TP… với vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng. TP cũng sẽ liên kết với Phnom Penh (Campuchia), Vientian (Lào) xúc tiến quảng bá điểm đến liên vùng trong chương trình hợp tác du lịch của 3 nước.
Ngoài những thị trường trọng điểm đang khai thác như Tây Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Úc, ASEAN, chúng tôi đang chú trọng đối tượng khách là sinh viên, thanh niên trẻ ở các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á vá Đông Bắc Á.
* Vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh cho du khách tại TPHCM hiện nay đang là vấn đề nóng được quan tâm. Dưới góc nhìn của ngành du lịch, ông có đánh giá gì về vấn đề này?
* Ngành du lịch TPHCM đã hướng mục tiêu xây dựng hình ảnh “TPHCM - Điểm đến thân thiện, hấp dẫn, an toàn”. Vấn đề an toàn cho du khách là yếu tố quan trọng trong việc thu hút khách du lịch. Việt Nam đã được biết đến là một đất nước thân thiện, an toàn. Chắc chắn chúng ta sẽ phải tìm cách làm cho du khách hài lòng. Hiện nay, tại TPHCM, các cơ quan chức năng đã phối hợp tốt trong việc đẩy mạnh, tăng cường an ninh. Theo tôi, TPHCM cần phải có lực lượng cảnh sát du lịch để hỗ trợ, tạo sự yên tâm cho du khách. Các nước trong khu vực như Thái Lan đã làm tốt mô hình này, hiện nay Campuchia, Lào cũng đã áp dụng rất tốt.
MỸ HẠNH