Vẫn thu hút khán giả
Vừa mang chú trăn khổng lồ quấn trên cổ bước ra sân khấu, một nam nghệ sĩ xiếc hóa trang nhân vật Tarzan vẫy tay chào khán giả. Không ít bạn nhỏ tiến sát sân khấu để tận mắt nhìn, sờ vào chú trăn và nhảy múa, tinh nghịch cùng Tarzan. Sau màn xiếc thú vui nhộn, đến những màn nhào lộn trên không, đua mô tô trong lồng sắt, nhiều khán giả đứng lên vỗ tay tán thưởng cho những tiết mục biểu diễn đầy mạo hiểm của các nghệ sĩ.
Buổi biểu diễn kéo dài gần 2 giờ nhưng khán giả vẫn nấn ná chưa muốn rời rạp. Nhiều gia đình đưa con nhỏ lên sân khấu để chụp hình lưu niệm cùng các diễn viên.
“Lâu lắm mới đi xem xiếc, vé có mắc chút nhưng đáng đồng tiền lắm. Mấy tiết mục biểu diễn thấy mạo hiểm quá, có người lỡ trượt chân mà vẫn nén đau để tiếp tục. Coi xiếc xong phải chụp một tấm hình, bắt tay với mấy anh một cái mới thỏa lòng”, anh Huy Hoàng (ngụ quận Bình Tân) hóm hỉnh chia sẻ.
Bé Ngọc Xuân (lớp 4, ngụ quận 8) được ba mẹ cho đi xem xiếc vào cuối tuần, dù buổi biểu diễn kết thúc nhưng vẫn ngoái đầu nhìn theo các nghệ sĩ đi vào cánh gà. “Con thích tiết mục có mèo, gấu Misa chạy xe. Lúc nãy con có chụp hình với mèo, nhưng không kịp chụp hình với gấu”, bé Xuân hào hứng kể cùng chút tiếc nuối khi chú gấu Misa đi vào quá nhanh.
Anh Ngọc Hùng (35 tuổi, ngụ quận 11) chia sẻ: “Ngày nhỏ, phải học giỏi hay điểm 10, ba mẹ mới thưởng cho bữa xem xiếc, đi coi là hào hứng lắm. Tiết mục đua mô tô hồi đó mỗi lần coi là hồi hộp, bây giờ có thêm lồng sắt biểu diễn công phu, hấp dẫn hơn”.
Hóa ra, chuyện đi xem xiếc dường như vẫn giữ một vị trí đặc biệt trong lòng nhiều người, thay vì chọn một vé ca nhạc hay xem phim thì họ vẫn sẵn sàng chọn một vé xem xiếc dù giá có cao hơn đôi chút.
Giữa lúc tình hình chung của sân khấu khá đìu hiu thì những buổi diễn xiếc không quá đông cũng không quá vắng, đủ để đoàn xiếc duy trì những buổi diễn suốt 3 tháng trời.
NSƯT Đỗ Văn Hùng, Trưởng đoàn Xiếc Trung ương 1, chia sẻ, ngày thường lượng khán giả cũng vừa chừng. Nhưng vào dịp cuối tuần và dịp Tết Nguyên đán vừa qua, khán giả đông hơn gấp 2-3 lần, rạp không còn ghế trống.
“Đây là lần đầu tiên Đoàn Xiếc Trung ương 1 biểu diễn ở TPHCM và nhờ khán giả ủng hộ nhiệt tình nên đoàn mới có thể trụ lại suốt gần 3 tháng qua. Ở những tỉnh, thành khác, chúng tôi thường chỉ biểu diễn khoảng 10 ngày đến nửa tháng là nhiều. Lần này, được khán giả ủng hộ nên mừng lắm, không lo phải bù lỗ mỗi đêm”, ông Hùng cho biết thêm.
Nguy hiểm trong gang tấc
Để làm nên những tiết mục biểu diễn đến mức khán giả phải đứng dậy vỗ tay, reo hò không ngớt, người nghệ sĩ không chỉ đổ mồ hôi mà đôi khi còn đổ cả máu. Ngày thường không chỉ là tập luyện mà phải khổ luyện, chuyện sứt đầu mẻ trán, chấn thương thường như cơm bữa.
“Người nghệ sĩ theo nghề xiếc thiệt thòi nhiều lắm, luyện tập phải vất vả lắm mới có thể biểu diễn một tiết mục trước khán giả. Những màn nhào lộn trên không, đua xe nguy hiểm trong gang tấc, sơ sẩy một chút là có thể nguy hiểm đến tính mạng như chơi. Nên tập luyện phải hết sức chuyên tâm, không dám lơ là chút nào hết”, NSƯT Đỗ Văn Hùng tâm sự.
Chương trình “Xiếc Quốc tế - Happy Dream Circus” diễn ra tại Sân vận động Phú Thọ (219 Lý Thường Kiệt, phường 15, quận 11 TPHCM) do Đoàn Xiếc Trung ương 1 phối hợp cùng Liên đoàn Xiếc Nhật Bản tổ chức. Nhiều tiết mục xiếc thú, ảo thuật vui nhộn, cùng những màn biểu diễn nghẹt thở, mạo hiểm như: nhào lộn trên không, đua mô tô trong lồng sắt, vòng xoay tử thần… được các nghệ sĩ dàn dựng công phu. Giá vé từ 100.000 đến 300.000 đồng.
Theo nghề từ năm 11 tuổi, tay chân không đếm hết sẹo, bao nhiêu lần té ngã, Hồng Hoa (17 tuổi, diễn viên Đoàn Xiếc Trung ương 1) kể: “Hồi nhỏ, mỗi lần tập luyện, té đau hay chảy máu em cũng phải ráng chịu, phải giấu bố mẹ. Vì biết tập luyện nguy hiểm quá, bố mẹ không cho theo nghề nữa”.
Có thể nói không chỉ với riêng Hoa, mà bất cứ ai chọn và đam mê nghề xiếc đều dường như phải hy sinh cả tuổi thanh xuân để tập luyện vất vả. Những lần té ngã, chấn thương… để đổi lại vài phút tỏa sáng trên sân khấu, nhưng bấy nhiêu cũng đủ làm người nghệ sĩ xiếc ấm lòng.
“Còn khán giả, còn tiếng vỗ tay và còn sân khấu để mình biểu diễn và sống với đam mê của mình là chúng tôi thấy hạnh phúc rồi”, diễn viên Đức Huy bộc bạch.
Theo Trưởng đoàn Đỗ Văn Hùng, diễn viên theo nghề cũng có thể sống được với tiền lương cơ bản và tiền bồi dưỡng sau mỗi đêm diễn. Những đêm diễn có khán giả, không phải bù lỗ vào tiền vé, đủ để mọi người chi tiêu cho cuộc sống và duy trì đoàn xiếc. Nhưng điều mà người trưởng đoàn này trăn trở chính là những tiết mục lớn, mang tầm nghệ thuật đang mất dần bởi nghề xiếc đã bị nhỏ, lẻ hóa, thu nhập có lúc không đủ khiến nghệ sĩ biểu diễn phải mang những tiết mục nhỏ, dễ, đi show một mình kiếm thêm thu nhập. Để khôi phục lại những tiết mục lớn cần phải được đầu tư nhiều về thời gian, công sức cũng như tiền bạc.
Với sự trở lại của khán giả trong những đêm biểu diễn xiếc vừa qua, cùng những tiết mục được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, người ta có quyền hy vọng về sự trở lại mạnh mẽ hơn của nghệ thuật xiếc.