Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các tỉnh Long An, Bến Tre, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Ban Liên lạc Tiểu đoàn 263 anh hùng cùng tham dự.
Theo đó, Khu tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 thuộc Trung đoàn 2, Quân khu 8 hy sinh trong trận Cầu Ván ngày 3-5-1968, được UBND tỉnh Long An công nhận xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh.
Tiểu đoàn 263 được thành lập tháng 11-1963 tại xã Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) trên cơ sở Đại đội 295 của Quân khu 8 cùng 3 đại đội bộ binh của các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An và nhiều lực lượng bổ sung khác.
Năm 1972, Tiểu đoàn 263 được đổi tên thành Tiểu đoàn 7. Sau ngày đất nước thống nhất, Tiểu đoàn 7 được sáp nhập với Tiểu đoàn 6, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa làm kinh tế, khai hoang phục hóa.
Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, Tiểu đoàn 7 tham gia bảo vệ biên giới, giúp nước bạn Campuchia tiêu diệt địch.
Tiểu đoàn 263 đã lập nhiều chiến công vang dội trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Trong đợt 2 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cụ thể ngày 3-5-1968, Tiểu đoàn đang trên đường hành quân ở khu vực Cầu Ván, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An thì bị địch phát hiện, chúng tập trung hỏa lực, máy bay, xe tăng càn quét khu vực đóng quân của Tiểu đoàn. Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã hy sinh trong trận chống càn. Tinh thần anh hùng, bất khuất đó mãi là bài học về tinh thần yêu nước, quả cảm cho thế hệ sau.
Sau ngày 30-4-1975, hài cốt các liệt sĩ đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Châu Thành – Tân Trụ.
Khu tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 được xây dựng khang trang với các hạng mục gồm đền thờ, khu mộ gió, khu nhà lưu niệm… với tổng diện tích trên 6.000m2. Tổng kinh phí xây dựng trên 20 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.