Khát vọng của những nhà khoa học trẻ

Giải thưởng Quả cầu vàng năm 2020 có nhiều điều rất đặc biệt so với mọi năm. Trước hết, ban tổ chức đã xét chọn cho cả ứng viên người Việt Nam đang công tác ở các trường đại học của nước ngoài. Trong số 10 nhà khoa học trẻ được vinh dự trao giải năm 2020 có đến 5 nhà khoa học trẻ của Việt Nam với thành tích nghiên cứu khoa học không hề kém cạnh so với các đồng nghiệp ở nước ngoài.   
TS Nguyễn Hoàng Chinh đang hướng dẫn các sinh viên tại phòng thí nghiệm Trường ĐH Tôn Đức Thắng
TS Nguyễn Hoàng Chinh đang hướng dẫn các sinh viên tại phòng thí nghiệm Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Đóng góp cho nông nghiệp tỉnh nhà

Là người trẻ nhất trong 10 nhà khoa học trẻ được trao giải thưởng Quả cầu vàng năm 2020, TS Nguyễn Hoàng Chinh (SN 1990) có một thành tích đồ sộ về nghiên cứu khoa học (NCKH) với 37 bài báo khoa học đã đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Với thành tích nghiên cứu xuất sắc, anh đã được mời tham gia phản biện cho 16 tạp chí ISI của 7 nhà xuất bản lớn trên thế giới. 

Chàng trai quê cù lao Long Hòa - Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh chọn ngành Công nghệ sinh học (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) với mong muốn mang hoài bão cùng kiến thức học được để đóng góp cho nông nghiệp tỉnh nhà. Quyết tâm theo đuổi lĩnh vực công nghệ sinh học trong y dược nhằm tìm hiểu các liệu pháp mới trong điều trị bệnh giúp Hoàng Chinh thêm đam mê trong học tập. Từ lúc còn là sinh viên, Nguyễn Hoàng Chinh đã được các giảng viên hướng dẫn theo con đường nghiên cứu, nhận được các giải thưởng NCKH sinh viên và nhiều suất học bổng có giá trị. Không chỉ học giỏi, anh còn tham gia nhiệt tình vào các hoạt động tập thể, là Bí thư Đoàn Khoa và được kết nạp Đảng khi đang là sinh viên năm thứ 3. Năm 2013, anh tốt nghiệp loại giỏi và được giữ lại trường công tác.

Hoàng Chinh chia sẻ: “Việc học sẽ không bao giờ ngừng lại với những người theo đuổi con đường nghiên cứu. Tri thức sẽ dẫn đường để chúng ta tự hoàn thiện mỗi ngày và cống hiến cho xã hội”. Năm 2014, anh được cấp học bổng bậc Cao học tại Đài Loan và hoàn thành thạc sĩ ngành Sinh học tại đây. Nhờ những thành tích học tập nổi bật, Chinh được trao giải “Travel Grant Award” (MOST-107-2922-I-011-086) của Bộ Khoa học và Công nghệ Đài Loan. 

Hiện nay anh là nghiên cứu viên, là giảng viên trẻ nhất của Khoa Khoa học ứng dụng và tham gia vào 2 nhóm nghiên cứu trọng điểm của khoa là “Nhóm nghiên cứu tính toán và thiết kế hóa - sinh nano” và “Sản phẩm tự nhiên và hóa sinh công nghiệp”. Anh cũng là thành viên của “Nhóm chiết xuất các hợp chất sinh học và ứng dụng” với đối tượng nghiên cứu đa bội chồi non trong ống nghiệm, các hiệu ứng của Elicitors trên sự sản xuất chất chuyển hóa thứ cấp, sàng lọc trên mô phỏng máy tính. “Tôi chọn quay về quê hương, về trường cũ để góp sức, cùng nhà trường thực hiện đào tạo và nghiên cứu. Nơi đây tôi có thể hỗ trợ, hướng dẫn các thế hệ đàn em như những gì trước đây tôi đã nhận được từ nhà trường, từ những người thầy của tôi”, Hoàng Chinh thổ lộ. 

Nỗ lực vượt khó

Trúng tuyển vào ngành Hóa của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) năm 2005 với kết quả điểm thi rất cao, sinh viên Đoàn Lê Hoàng Tân được chọn vào học chương trình cử nhân tài năng. 4 năm sau, Tân tốt nghiệp với điểm số đứng thứ nhì toàn khóa và quyết định chọn ở lại công tác tại trường, theo đuổi con đường nghiên cứu. Năm 2009, Tân là 1 trong 10 người được chọn học chương trình thí điểm học thẳng lên tiến sĩ theo chương trình liên kết tại Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc Nano và phân tử (INOMAR) giữa ĐH Quốc gia TPHCM và ĐH California, Los Angeles (UCLA - Mỹ). Anh bảo vệ luận án tiến sĩ vào năm 2017 với đề án về Khảo sát tổng hợp và hoạt tính xúc tác của vật liệu khung hữu cơ kim loại Zirconium và Hafnium do GS-TS Lê Ngọc Thạch hướng dẫn. 

Nhớ lại những ngày đầu, TS Đoàn Lê Hoàng Tân (33 tuổi), Phó giám đốc Trung tâm INOMAR cho biết: Khi chọn con đường nghiên cứu, đặc biệt là lĩnh vực vật liệu mới (lĩnh vực rất mới tại Việt Nam thời điểm đó và cho đến hiện nay) rất gian nan. Ngoài đam mê làm khoa học thì cơm áo gạo tiền cũng là vấn đề nan giải, nhiều lúc muốn bỏ cuộc giữa chừng. Tuy nhiên, với sự đầu tư về cơ sở vật chất, một công cụ rất quan trọng đối với người làm NCKH, sự hướng dẫn rất tận tình của các thầy cũng như phía đối tác hỗ trợ và đặc biệt là Giáo sư Omar Yaghi, người phát minh ra vật liệu MOF, đã hết lòng giúp đỡ nên chúng tôi quyết tâm vượt qua những khó khăn trong nghiên cứu về vật liệu mới.  

Là những người được tuyển chọn đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu về vật liệu mới, đến nay nhóm nghiên cứu của TS Hoàng Tân cũng như Trung tâm INOMAR đã hoàn toàn làm chủ, đủ năng lực đào tạo, nghiên cứu và công bố quốc tế về lĩnh vực này. Hiện, phía đối tác từ chỗ hỗ trợ đã trực tiếp hợp tác để cùng nghiên cứu về lĩnh vực này. 

Sau 3 năm bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, trái ngọt đã đến với TS Đoàn Lê Hoàng Tân với giải thưởng Quả cầu vàng ở lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới. Anh có thành tích nghiên cứu rất đáng nể về lĩnh vực này với 26 bài báo khoa học quốc tế, 3 báo cáo khoa học đăng toàn văn trong kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế, chủ nhiệm 4 đề tài cấp cơ sở, thư ký khoa học 1 đề tài cấp bộ, đồng tác giả với GS Omar Yaghi về 1 sáng chế tại Mỹ và tác giả chính 1 sáng chế trong nước về Chương trình phát triển khoa học công nghệ của Chính phủ.  

“Con đường làm khoa học tại Việt Nam có nhiều cái khó hơn so với đồng nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, đã chọn con đường nghiên cứu thì phải chấp nhận khó khăn và cố gắng vượt qua. Hiện nay, nhóm chúng tôi tập trung đẩy mạnh theo hướng ứng dụng là nghiên cứu về vật liệu y sinh, tổng hợp vật liệu dẫn truyền thuốc và phân hủy sinh học trong điều trị ung thư”, TS Đoàn Lê Hoàng Tân chia sẻ. 

Hướng về cộng đồng  

Tháng 12-2020, TS-BS Phạm Lê Duy (Bí thư đoàn Khoa Y, giảng viên bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh miễn dịch, Trường ĐH Y Dược TPHCM) nhận 2 giải thưởng cao quý đó là giải thưởng Thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2020 và giải thưởng Quả cầu vàng dành cho các nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2020. 

Chia sẻ về niềm vui này, TS Duy phấn khởi: “Đây là những giải thưởng cao quý dành cho các nhà khoa học trẻ. Giải thưởng không chỉ ghi nhận những thành tựu về NCKH của những người trẻ, mà còn là nguồn cảm hứng cho các nhà khoa học trẻ khác và giúp gắn kết các nhà khoa học trẻ Việt Nam đang ở khắp nơi trên thế giới”. Điểm đặc biệt của bác sĩ Phạm Lê Duy là không chỉ nổi bật về nghiên cứu và công bố quốc tế mà còn là một cán bộ Đoàn rất năng nổ. Những ngày trong tuần, anh dành thời gian cho giảng dạy, nghiên cứu và khám chữa bệnh tại bệnh viện của trường. Thay vì cuối tuần dành cho gia đình, người thân thì anh lại tranh thủ tham gia công tác Đoàn. Hiện anh trực tiếp điều hành hơn 50 hoạt động lớn nhỏ của Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Khoa Y, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sinh viên. Trong đợt dịch Covid-19, anh trực tiếp kêu gọi, vận động và hỗ trợ nhu yếu phẩm, trang thiết bị phòng chống dịch cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến ở TPHCM.  

32 tuổi, TS-BS Phạm Lê Duy đã có 25 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành dị ứng, miễn dịch lâm sàng. Trong 5 năm học tại Hàn Quốc, Phạm Lê Duy là người Việt Nam đầu tiên được chọn vào Ban chấp hành WAO (Tổ chức Dị ứng thế giới). Sau khi về nước, anh đã nỗ lực đưa các hội nghị quốc tế của WAO đến Việt Nam, kết nối bác sĩ Việt Nam với các bác sĩ của thế giới để cùng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm học thuật. Đặc biệt, lĩnh vực miễn dịch dị ứng của Việt Nam có cơ hội nhận được nhiều sự hỗ trợ của quốc tế để phát triển hơn. 

Mong muốn của vị bác sĩ này cũng luôn hướng về cộng đồng: sớm thành lập đơn vị dị ứng - miễn dịch lâm sàng đầu tiên ở phía Nam để là nơi vừa điều trị bệnh, vừa đào tạo các bác sĩ tham gia chuyên ngành này. Về nghiên cứu, sắp tới đây, nhóm nghiên cứu dị ứng - miễn dịch sẽ tiến hành các nghiên cứu về dị ứng hải sản và sốc phản vệ ở người Việt Nam, để tìm phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn cho người bệnh.

Tin cùng chuyên mục