Khiếu nại, kiến nghị là quyền công dân của ông Vũ Huy Hoàng

Khiếu nại, kiến nghị là quyền công dân của ông Vũ Huy Hoàng

>> Tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định ông Vũ Huy Hoàng

(SGGPO). – Sáng 23-11, ngay sau khi Quốc hội bế mạc, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.

Chưa thông qua Luật về hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh, sau 26 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng khác.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Lã Anh

Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 3 luật (Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư) và 11 Nghị quyết. Các luật, nghị quyết được thông qua lần này nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tăng cường công tác quản lý tài sản nhà nước, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, việc thí điểm để tiến tới áp dụng hình thức thị thực điện tử đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về chính trị, pháp lý, đối ngoại, đáp ứng yêu cầu cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, mà còn đẩy mạnh thu hút người nước ngoài đến du lịch, khảo sát thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, qua đó tác động trực tiếp, tích cực đến việc phát triển kinh tế-xã hội.

Riêng đối với dự án Luật về hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH. Căn cứ vào kết quả xin ý kiến, Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua 2 dự án luật trên tại kỳ họp thứ 2 và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2017).

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến đối với 14 dự án luật khác về quy hoạch, đường sắt, thuỷ lợi, du lịch, quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, quản lý ngoại thương, chuyển giao công nghệ…

Về kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước, Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian tới gồm Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 với chỉ tiêu GDP tăng khoảng 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%. Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 được Quốc hội thông qua cũng nêu rõ tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.212.180 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.390.480 tỷ đồng; bội chi ngân sách nhà nước là 178.300 tỷ đồng tương đương 3,5%GDP (bội chi ngân sách trung ương là 172.300 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương là 6.000 tỷ đồng); tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 340.157 tỷ đồng để bù đắp bội chi và trả nợ gốc; thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1-7-2017. Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2017 thông qua tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là 729.730 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 902.030 tỷ đồng, trong đó dự toán 254.630 tỷ đồng để bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương…; Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 với tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa là 2 triệu tỷ đồng.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, trên cơ sở trình của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Phê phán ông Vũ Huy Hoàng dựa trên cơ sở những căn cứ pháp lý

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí trong và ngoài nước về việc xử lý sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng, hiệp định TPP…

Tại Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã quyết nghị phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 trước Quốc hội và cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương, gây bức xúc trong xã hội. Quốc hội cũng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: Lã Anh

Trả lời câu hỏi cơ sở pháp lý nào để Quốc hội ban hành Nghị quyết chất vấn có phê phán ông Vũ Huy Hoàng, đó có phải là hình thức kỷ luật hay không? ông ấy có quyền khiếu nại không?, ông Nguyễn Hạnh  Phúc cho biết, sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng là rất nghiêm trọng. Trước Quốc hội và nhân dân cả nước, Quốc hội đã phê phán nghiêm khắc. Nghị quyết về chất vấn cũng khẳng định điều này. “Quốc hội hóa XIII đã miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công thương nên ông Vũ Huy Hoàng không còn là Bộ trưởng. Nghị quyết chất vấn của Quốc hội phê phán ông Vũ Huy Hoàng là dựa trên cơ sở những căn cứ pháp lý. Còn quyền khiếu nại, kiến nghị là quyền công dân của ông Vũ Huy Hoàng. Nếu có kiến nghị thì các cơ quan có liên quan sẽ xem xét theo thẩm quyền".

Trả lời câu hỏi của báo chí nước ngoài về việc khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì Việt Nam có tiếp tục đàm phán không, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết vừa qua, khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham gia Tuần lễ cấp cao lần thứ 24 Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã nêu rõ quan điểm của Việt Nam về vấn đề này. Việt Nam luôn nỗ lực triển khai hội nhập quốc tế để thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có TPP; trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu bị suy giảm và chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng, việc sớm đưa Hiệp định TPP đi vào thực thi là rất cần thiết.

“Sau khi Chủ tịch nước về sẽ có báo cáo với Quốc hội, lúc đó Quốc hội sẽ xem xét cụ thể các vấn đề”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Tổng thư ký Quốc hội cũng cho rằng, hiện nay Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cũng chưa có tuyên bố chính thức, chỉ là những thông tin trong quá trình vận động bầu cử, còn khi đắc cử thì có thể có diễn biến khác, vì vậy Việt Nam vẫn đang chờ đợi. “Ngay cả khi Mỹ không xem xét TPP thì 11 nước còn lại vẫn có thể tiếp tục bàn với nhau. Việt Nam luôn sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế”, ông Phúc khẳng định.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục