Khó khăn tuyển dụng giáo viên cho năm học mới

Chưa đầy 3 tuần nữa, năm học 2021-2022 sẽ bắt đầu theo khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, TPHCM đang gặp khó trong tuyển dụng giáo viên do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhiều phương án đã được đưa ra như tuyển dụng trực tuyến, hợp đồng giáo viên thỉnh giảng…
Ứng viên tham gia tuyển dụng viên chức năm học 2020-2021 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức
Ứng viên tham gia tuyển dụng viên chức năm học 2020-2021 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức

Hoàn thành tuyển dụng sớm nhất vào tháng 10    

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 và chuẩn bị cho năm học mới, thì tổng nhu cầu tuyển dụng viên chức ở tất cả bậc học thuộc khối quản lý của 21 quận, huyện và TP Thủ Đức là hơn 5.500 người. Thời điểm hiện tại, các phòng GD-ĐT đều cho biết việc tuyển dụng chắc chắn không thể hoàn thành trong tháng 8. 

Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3, cho biết, kế hoạch tuyển dụng giáo viên đã có nhưng hiện nay toàn thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên mọi việc tạm ngưng. Tương tự, tại quận Gò Vấp, Trưởng Phòng GD-ĐT Nguyễn Thanh Thủy cho hay, phòng đã trình UBND quận kế hoạch tuyển dụng giáo viên cho năm học mới. “Nếu được phê duyệt, địa phương sẽ đăng thông báo tuyển dụng công khai trong thời hạn 30 ngày, sau đó tiến hành quy trình tuyển dụng, dự kiến sớm nhất giữa tháng 10 mới hoàn thành”. 

Riêng đối với quận Tân Bình, công tác thuyên chuyển giáo viên đã hoàn tất. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình giáo viên vẫn còn biến động. Phòng GD-ĐT đã rà soát để báo cáo UBND quận ban hành kế hoạch tuyển dụng phù hợp. Ngoài ra, việc giao biên chế giáo viên vào đầu năm học phải căn cứ số lượng học sinh tuyển sinh thực tế. Hiện nay, công tác tuyển sinh đầu cấp chưa thể hoàn thành (còn một bộ phận phụ huynh về quê chưa trở lại TPHCM, học sinh trong các khu vực phong tỏa chưa hoàn tất hồ sơ nhập học trực tuyến). Do đó, trước mắt quận Tân Bình sẽ thực hiện tuyển dụng theo kế hoạch đã có, nếu tình hình biến động sẽ điều chỉnh cho phù hợp.

Ở khối THPT và các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2021-2022, tổng nhu cầu tuyển dụng viên chức giáo dục là 437 người (gồm 388 giáo viên và 49 nhân viên). Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, công tác tổ chức tuyển dụng dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 11-2021. Như vậy, yêu cầu bổ sung giáo viên ở tất cả bậc học không thể hoàn thành vào đầu năm học mới. Để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, các trường buộc phải tính đến phương án hợp đồng giáo viên thỉnh giảng hoặc tăng cường lực lượng tại chỗ.

Xem xét phương án tuyển dụng trực tuyến 

Lãnh đạo một số phòng GD-ĐT cho biết đang cân nhắc phương án tuyển dụng trực tuyến để rút ngắn thời gian tuyển dụng, kịp thời bổ sung lực lượng đáp ứng nhu cầu giảng dạy của các trường học. Nhiều ý kiến cho rằng có thể rút ngắn thời gian tuyển dụng thông qua việc hướng dẫn ứng viên nộp hồ sơ và kiểm tra kiến thức cơ bản bằng hình thức trắc nghiệm trực tuyến, nhưng ở vòng thi kiểm tra năng lực và nghiệp vụ thực hành phải tiến hành trực tiếp. Trưởng phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm thành phố nêu ý kiến, không thể vì chạy theo yêu cầu số lượng mà bỏ qua chất lượng giáo viên. Hiện nay, các bài kiểm tra năng lực trực tuyến đều bộc lộ nhiều hạn chế, chưa thể đánh giá khách quan năng lực thực tế của ứng viên. 

Theo ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, bên cạnh giải pháp hợp đồng giáo viên thỉnh giảng, trường học có thể tính đến phương án tăng cường lực lượng tại chỗ theo hướng tăng tiết dạy và trả thêm thu nhập phụ trội cho giáo viên. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương án này, các trường phải đưa vào kế hoạch giáo dục đầu năm học và được đơn vị chuyên môn (phòng GD-ĐT quận, huyện) thẩm định, phê duyệt để có cơ sở chi thu nhập phụ trội cho giáo viên.

Năm học 2021-2022, dự kiến tổng số học sinh tăng thêm của TPHCM là 30.939 em, gồm 27.991 học sinh hệ công lập và 2.948 học sinh hệ ngoài công lập. Toàn thành phố có hơn 2.390 trường học ở các cấp với hơn 79.500 giáo viên.

Ở bậc THPT, theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), trong thời gian chờ tuyển dụng mới giáo viên, Sở GD-ĐT thành phố cho phép các trường hợp đồng giáo viên để kịp thời đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là sau khi giáo viên kết thúc hợp đồng thỉnh giảng hoặc khi Sở GD-ĐT thành phố tổ chức tuyển dụng viên chức thì những giáo viên này có được ưu tiên tuyển dụng hay không. “Nếu chỉ ký hợp đồng làm việc trong thời gian ngắn rồi phải tuyển người mới thì sẽ vô tình phá vỡ cơ cấu tổ chức của các trường học. Tôi đề xuất phương án cho phép các trường chủ động tuyển dụng giáo viên từ đầu năm học, sau đó báo cáo kết quả thực hiện về Sở GD-ĐT thành phố để thuận tiện cho công tác kiểm tra, quản lý”, ông Phú nêu ý kiến. 

Ở góc độ khác, hiệu trưởng một trường THPT ở quận 3 bày tỏ, nhiều năm trở lại đây, TPHCM cho phép tuyển dụng giáo viên không có hộ khẩu thành phố. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cần tính đến phương án sử dụng nguồn lực tại chỗ (ứng viên có hộ khẩu thành phố) để sau khi tuyển dụng làm việc được ngay, hạn chế việc di chuyển của các ứng viên, tránh tình trạng trúng tuyển nhưng ứng viên không nhận nhiệm sở do vướng quy định giãn cách giữa các địa phương.

Tin cùng chuyên mục