Khổ vì “giấy phép con” vận tải

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải chuyên chở thiết bị máy móc như máy cẩu, máy ủi, máy xúc, máy lu, xe đào… ở TPHCM, hiện nay để vận chuyển các thiết bị này khi lưu thông trên đường, DN phải xin giấy phép lưu hành đặc biệt cho xe quá khổ giới hạn trên đường bộ. Điều này đang gây không ít khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN.
Khổ vì “giấy phép con” vận tải

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải chuyên chở thiết bị máy móc như máy cẩu, máy ủi, máy xúc, máy lu, xe đào… ở TPHCM, hiện nay để vận chuyển các thiết bị này khi lưu thông trên đường, DN phải xin giấy phép lưu hành đặc biệt cho xe quá khổ giới hạn trên đường bộ. Điều này đang gây không ít khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN.

Khổ vì “giấy phép con” vận tải ảnh 1

Theo quy định xe chở hàng quá khổ, quá tải phải có giấy phép lưu hành đặc biệt. Ảnh: Cao Thăng

Có hàng nhưng không dám chở

Ông Đoàn Minh Thành, Giám đốc Công ty TNHH Giao nhận vận tải Minh Thành cho biết: Lâu nay, loại phương tiện sơ mi rơ moóc của chúng tôi là xe chuyên dùng, không thuộc loại siêu trường, siêu trọng, khi lưu thông vẫn bảo đảm an toàn giao thông. Thế nhưng, không hiểu sao vừa qua Bộ GTVT lại buộc phải xin giấy phép lưu hành đặc biệt trên đường, đây coi như một loại “giấy phép con” gây khó khăn cho hoạt động của DN. Nếu không có giấy phép khi lưu thông trên đường sẽ bị xử lý vi phạm với mức phạt không hề thấp. Đó là chưa kể việc cấp giấy phép lưu hành đặc biệt hiện nay rất nhiêu khê.

Cụ thể, trước đây việc cấp phép giao cho các cục quản lý đường bộ đảm nhận, nhưng nay bắt buộc phải ra Tổng cục Đường bộ Việt Nam tận Hà Nội để xin, mà khi ra đây đâu xin được ngay trong ngày nên phải chờ. Vì vậy, hàng về đầy cảng nhưng vì chờ giấy phép mới chở được, nên phải chịu phí lưu kho, lưu bãi.

“Hàng ngày, chúng tôi phải lo chạy tìm hàng nhưng khi hàng về chuyển lên xe lại không biết có chạy được không, do phải chờ xin giấy phép lưu hành. Trong khi đó, DN nước ngoài sản xuất phương tiện đã tính toán kỹ kỹ thuật, cũng như những tác động lên hệ thống cầu đường. DN muốn làm đúng nhưng quá nhiêu khê!”- ông Thành bức xúc. Trong khi đó, ông H.V.T., Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ vận tải H.T., thắc mắc: Hiện nay, theo quy định, giấy phép lưu hành đặc biệt cấp cho xe chuyên dùng, xe container chiều cao xếp hàng hóa không quá 4,35m, trong khi chiều cao của các xe chở container là đã 4,5m nên chưa hợp lý, gây khó cho DN.

Theo quy định, phương tiện sơ mi rơ moóc chở máy cẩu, máy ủi… khi lưu thông phải có giấy phép lưu hành đặc biệt.

Một số DN khác cho rằng, hiện nay trong giấy phép yêu cầu ghi tên hàng vận chuyển cụ thể như máy đào, máy ủi… cũng gây không ít khó khăn cho DN. Chẳng hạn, DN có hợp đồng vận chuyển một máy đào từ TPHCM đi Vũng Tàu và chở một máy lu từ Vũng Tàu về lại TPHCM để sửa chữa. Do đó, khi lưu thông trên đường, DN bị cơ quan chức năng xử phạt lỗi vận chuyển hàng hóa không đúng với giấy phép lưu hành đặc biệt đã được cấp. Trong trường hợp này, không lẽ DN phải xin 2 giấy phép, một giấy phép chở máy đào và một giấy phép chở xe lu trong khi thời gian đi chỉ có 1 ngày.

Ngoài ra, về địa điểm nơi đi và nơi đến, trong giấy phép lưu hành đặc biệt ghi chi tiết tuyến đường cụ thể một cách cứng nhắc gây khó cho DN, vì DN chỉ biết tên địa phương chứ không thể nắm rõ vị trí số kilômét trên từng quốc lộ.

Thay đổi quy trình cấp giấy phép

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, một số DN vận tải và Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM kiến nghị cơ quan chức năng xem xét lại những quy định hiện hành liên quan đến quy trình, thủ tục và nội dung thông tin trên giấy phép lưu hành đặc biệt cho xe quá khổ giới hạn đường bộ. Theo ông Thành, Bộ GTVT nên tách biệt rõ thế nào là xe chuyên dùng và xe siêu trường, siêu trọng để tránh sự hiểu nhầm cho lực lượng thực thi công vụ trong quá trình làm nhiệm vụ kiểm soát tải trọng phương tiện. Bên cạnh đó, cần sớm giao lại thẩm quyền cấp phép cho các cục quản lý đường bộ cấp phép nhằm tạo thuận lợi cho các DN trong việc xin giấy phép.

Còn luật sư Thái Văn Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam căn cứ vào đặc điểm, tính chất của từng loại phương tiện, hàng hóa được thông tin trong hồ sơ xin cấp giấy phép lưu hành đặc biệt để áp dụng mẫu giấy phép riêng biệt cho từng nhu cầu cụ thể khác nhau. Không nên ghi chung 4 loại hình vận tải đặc biệt (xe quá tải trọng; xe quá khổ giới hạn; xe vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng trên đường bộ) trên một mẫu giấy phép như phụ lục số 02 kèm theo Thông tư số 06/VBHN-BGTVT ngày 7-2-2014 của Bộ GTVT quy định, để bảo đảm các thông tin trên giấy phép được rõ ràng, dễ hiểu, hạn chế tình trạng các lực lượng thực thi pháp luật hiểu nhầm các xe, sơ mi rơ moóc quá khổ có tác động lên đường bộ như “xe chở hàng siêu trường, siêu trọng” để gây khó khăn cho lái xe, DN trong quá trình vận chuyển.

Ngoài ra, nhằm tăng tính chủ động cho DN, trên giấy phép lưu hành đặc biệt cũng không nên ghi cụ thể tên hàng hóa để DN có thể khai thác hàng hóa vận chuyển hai chiều, bảo đảm hiệu quả kinh doanh, hạn chế tình trạng xe chạy một chiều gây lãng phí cho DN. Vì các loại hàng hóa này không phải hàng hóa đặc biệt mà giấy phép lưu hành đặc biệt là cấp cho sơ mi rơ moóc (do quá khổ giới hạn đường bộ).

Mặt khác, để tạo sự chủ động cho DN trong quá trình vận chuyển hàng hóa, trên giấy phép lưu hành xe quá khổ giới hạn đường bộ cho phép phương tiện được quyền lưu thông trên tất cả các tuyến đường quốc lộ đã được nâng cấp, cải tạo và công bố đính kèm theo Thông tư 06/VBHN-BGTVT, thay vì ghi cụ thể các tuyến đường phương tiện được phép lưu thông như quy định.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần xem xét phân quyền cho các cục quản lý đường bộ được cấp giấy phép lưu hành đặc biệt cho xe quá khổ giới hạn trên đường bộ để góp phần giảm chi phí, thời gian đi lại cho DN vận tải. Vì các cục quản lý đường bộ cũng đủ khả năng và điều kiện thẩm định để cấp loại giấy phép này như trước đây đã áp dụng.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục