Khởi tố, bắt giam thẩm phán, Công an quận 1 có đúng thẩm quyền?

Đây là câu hỏi được nhiều chuyên gia pháp lý đặt ra xung quanh vụ việc Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an quận 1 khởi tố vụ án “Xâm phạm chỗ ở của người khác” xảy ra tại nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Đa Kao, quận 1, TPHCM).
Xe của Công an quận 1 rời khỏi TAND quận 4 sau khi khám xét nơi làm việc của ông Nguyễn Hải Nam. Ảnh: KHÁNH QUỲNH
Xe của Công an quận 1 rời khỏi TAND quận 4 sau khi khám xét nơi làm việc của ông Nguyễn Hải Nam. Ảnh: KHÁNH QUỲNH

 Sở dĩ câu hỏi này được đặt ra bởi một bị can trong vụ án này - ông Nguyễn Hải Nam là Thẩm phán, Phó Chánh án TAND quận 4.

Vấn đề đặt ra trên đây là có cơ sở, bởi theo điểm a, khoản 5 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra cấp huyện là điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện. Còn cơ quan điều tra cấp tỉnh sẽ điều tra các vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh. Dẫn chiếu tới quy định về thẩm quyền tòa án, thì tại điểm c, khoản 2 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 xác định “Vụ án mà bị cáo là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người” thuộc tòa án cấp tỉnh xét xử. Điều luật này quy định đối tượng “bị cáo là thẩm phán”, chứ không quy định hành vi phạm tội đó là trong thi hành nhiệm vụ hay bên ngoài. Tức là chỉ cần bị cáo là thẩm phán thì sẽ thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án cấp tỉnh. Khi khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “xâm phạm chỗ ở của người khác”, Công an quận 1 biết rõ ông Nguyễn Hải Nam là Thẩm phán, Phó Chánh án TAND quận 4 mà vẫn khởi tố và điều tra, liệu có đúng thẩm quyền?

Một chuyên gia pháp lý khẳng định, chỉ cơ quan điều tra cấp tỉnh mới có thẩm quyền điều tra thẩm phán phạm tội. Còn cơ quan điều tra cấp huyện không có thẩm quyền điều tra - tức khởi tố bị can, bắt tạm giam thẩm phán. Theo chuyên gia này, cơ quan điều tra cấp huyện có thể khởi tố vụ án do nhận thấy có dấu hiệu tội phạm. Nhưng sau khi xác minh lý lịch, thấy chủ thể của tội phạm không thuộc thẩm quyền của mình thì phải chuyển hồ sơ lên cấp trên. 

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng việc Cơ quan CSĐT Công an quận 1 có quyền khởi tố, bắt tạm giam ông Nam và ông Tùng. Bởi hiện nay, ông Nam vẫn đang là bị can chưa phải là bị cáo, vụ án vẫn đang trong giai đoạn điều tra. Do ông Nam bị khởi tố, điều tra về tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện nên Cơ quan CSĐT Công an quận 1 có quyền điều tra. Tuy nhiên, theo vị này, khi kết thúc điều tra thì Cơ quan CSĐT Công an quận 1 phải chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND TPHCM truy tố, hoặc chuyển cho VKSND quận 1 để cơ quan này chuyển lên VKSND TPHCM truy tố, mới đúng thẩm quyền.

Tin cùng chuyên mục