
Như Báo SGGP đã đưa tin, trong quá trình tác nghiệp, đưa tin về vụ tiêu cực tại PMU 18, phóng viên nhiều cơ quan báo chí đã bị một số đối tượng đe dọa, hành hung. Chiều 27-3, nhóm PV Báo SGGP đã tiếp xúc và được các lãnh đạo các Bộ Công an, Bộ VH-TT trao đổi về hướng xử lý đối với những cá nhân liên quan.
Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an:
Phải có biện pháp an toàn cho hoạt động báo chí
- PV: Xin Thứ trưởng cho biết ý kiến của mình trước việc một số phóng viên đưa tin vụ PMU18 vừa bị đe dọa, ngăn cản hành nghề?
- Thứ trưởng LÊ THẾ TIỆM: Những hành vi ngăn cản, đe dọa, hành hung phóng viên theo dõi đưa tin vụ PMU18 có dấu hiệu của hoạt động “xã hội đen”, gây bất bình trong công luận và đòi hỏi phải có biện pháp an toàn cho hoạt động báo chí cũng như bảo đảm trật tự an toàn xã hội nói chung.

Tấm ảnh ghi lại cảnh PV Báo Thanh Niên bị hành hung. Ảnh: TNO.
Vì vậy, sáng 27-3, tôi đã ký điện yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Giám đốc Công an Hà Nội chủ động có kế hoạch tăng cường lực lượng bảo đảm tuyệt đối an toàn cho phóng viên cơ quan báo chí, cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật và những người dân tham gia phối hợp làm rõ tình tiết liên quan đến vụ án tại PMU18. Tập trung lực lượng khẩn trương điều tra làm rõ những đối tượng có hành vi ngăn cản, đe dọa, hành hung các phóng viên như các báo đã nêu để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Bộ VH-TT Đỗ Quý Doãn:
Bảo vệ nhà báo là việc làm cấp thiết
- Phóng viên: Thứ trưởng có ý kiến như thế nào về việc một số phóng viên đã bị những người có dấu hiệu là “xã hội đen” hành hung, cản trở khi đang tiến hành tác nghiệp ở vụ án PMU 18 vừa qua?
- Thứ trưởng ĐỖ QUÝ DOÃN: Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về vấn đề này, chúng tôi nhận định rằng: đây là những hành vi vi phạm pháp luật cực kỳ nghiêm trọng, đặc biệt là những quy định của Luật Báo chí! Hoạt động của nhà báo được pháp luật bảo hộ, điều này đã được quy định rõ, khi nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng với pháp luật.
Luật Báo chí đã có những chế tài như: không ai được xúc phạm, đe dọa cũng như phá hủy phương tiện hành nghề của nhà báo… Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc vừa rồi, chúng tôi nghĩ, các cơ quan điều tra cũng đã hiểu và nắm rõ vấn đề, vì vậy, việc xử lý, xem xét điều tra để làm rõ những vấn đề liên quan là rất cấp thiết!
Theo tôi, trong cuộc chiến chống tiêu cực này, các cơ quan chức năng đều đã xác định báo chí là một trong những kênh thông tin rất quan trọng, trong việc phát hiện các vụ việc, tạo ra áp lực về mặt dư luận để đưa các vụ việc tiêu cực ra ánh sáng.
Báo chí là một công cụ hỗ trợ rất đắc lực cho các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật thực hiện nhiệm vụ của mình. Vì vậy, việc bảo vệ báo chí mà trực tiếp ở đây là các nhà báo trong quá trình tác nghiệp là một việc làm cần thiết và không bao giờ thừa cả! Nếu chúng ta không làm tốt được điều đó, thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng cũng như hiệu quả của thông tin báo chí.
- Đây không phải là lần đầu tiên một phóng viên bị hành hung, cản trở trong quá trình tác nghiệp. Là cơ quan quản lý hoạt động báo chí khi mỗi vụ việc xảy ra như vậy, Bộ VH-TT đã làm gì, thưa Thứ trưởng?
- Khi mỗi vụ việc xảy ra, sau khi đã có đầy đủ bằng chứng, Bộ VH-TT đều chính thức có ý kiến với cơ quan điều tra, hoặc những cơ quan liên quan đến vụ việc. Có thể qua đường công văn chính thức, hoặc trao đổi qua các hội nghị, hội thảo… Tất cả đều nhằm đảm bảo quyền lợi đầy đủ và hợp pháp của mỗi một nhà báo, cũng như tính chính xác, minh bạch của từng vụ việc.
Vụ việc ở PMU 18 lần này mới xảy ra, nhưng các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin và cơ quan điều tra cũng đã vào cuộc. Với các vụ việc trước đây, bao giờ chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan báo chí có văn bản giải trình vụ việc, lấy đó làm cơ sở giải quyết và đề đạt với những cơ quan chức năng.
Vụ việc này cũng vậy, chúng tôi đã chỉ đạo Cục Báo chí tiến hành kiểm tra, thu thập các tài liệu liên quan, để có hướng xử lý sớm nhất. Theo tôi được biết, hiện nay, cơ quan điều tra của Công an đã biết, nắm rõ vụ việc và đang có những biện pháp nhằm bảo vệ cho nhà báo trong quá trình tác nghiệp vụ việc này, cũng tiến hành điều tra những nhân vật đã có biểu hiện “xã hội đen” vi phạm pháp luật như báo chí đã đưa tin.
Ngay trong ngày 27-3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14, Công an Hà Nội) đã khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ. Những người thi hành công vụ ở đây là các nhà báo, phóng viên. Khi tác nghiệp đưa tin, chụp ảnh vụ án diễn ra tại PMU18, các phóng viên đã bị một số đối tượng nghi là “xã hội đen” ngăn cản không cho chụp ảnh, thậm chí đánh phóng viên. |
NAM QUỐC – TRẦN LƯU
Tin, bài liên quan:
Phải xử lý triệt để vụ án tại PMU18
Cơ quan điều tra tiếp tục làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến