Không chủ quan với bệnh lý cột sống

Thoái hóa cột sống là một cách gọi để chỉ việc xương cột sống bị lão hóa, mất dần cấu trúc và chức năng bình thường theo thời gian. Tuy nhiên, hiện nay các bệnh có liên quan đến cột sống đang xuất hiện ngày càng nhiều ở người trẻ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.
BS-CKI Trịnh Đức Vinh, thăm khám cho bệnh nhân L.T.T.T
BS-CKI Trịnh Đức Vinh, thăm khám cho bệnh nhân L.T.T.T

Nằm, ngồi, bò… cũng đau 

Mới đây, chị L.T.T.T. (24 tuổi, quê Bình Thuận, làm việc tại TPHCM) bỗng xuất hiện từng cơn đau buốt ngang lưng, sau đó lan xuống chân, đi không được, phải vào viện điều trị. “Nằm, ngồi, bò cũng đau. Đặc biệt đại hoặc tiểu tiện khó khăn và không tự chủ. Hoảng hồn, tôi đến Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM thăm khám thì được bác sĩ cho biết bị thoái hóa cột sống lưng, đau thần kinh tọa cấp”, chị T. cho biết. 

Khác với chị T., anh L.Q.H. (35 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM), luôn duy trì chế độ ăn uống điều độ, tập luyện thể thao. Gần đây, anh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đau nhức lưng, đau mỏi vai. Cứ nghĩ do đặc thù công việc phải đi nhiều, ngồi trước máy tính lâu gây đau mỏi, nhưng cơn đau tăng nặng mỗi ngày khiến cuộc sống anh H. bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đi khám, bác sĩ thông báo anh bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, chèn ép rễ thần kinh. Anh H. chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình mắc bệnh này. Trước nay cho rằng đó là bệnh của người già, không ngờ mình còn trẻ đã bị”. 

Theo BS-CKI Trịnh Đức Vinh, Phó trưởng Khoa Xương khớp, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM, tâm lý chủ quan cho rằng còn trẻ nên không thể mắc bệnh thoái hóa cột sống là một suy nghĩ sai lầm. Việc chủ quan không chú ý tới sức khỏe và không để ý những thay đổi bất thường của cơ thể có thể khiến bệnh trở nặng, nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc người bệnh tới khám ở giai đoạn trễ là một trong những nguyên nhân khiến quá trình điều trị bệnh lý thoái hóa cột sống, nhất là thoái hóa cột sống lưng, trở nên khó khăn hơn. 

Ngày càng trẻ hóa

TS-BS Nguyễn Minh Anh, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 70% dân số thế giới bị đau lưng ít nhất một lần trong đời. Đây cũng là triệu chứng cơ bản của thoái hóa cột sống. Tại Việt Nam, trung bình bệnh thoái hóa cột sống chiếm khoảng 35% dân số. Trong đó, thoái hóa cột sống lưng ở nhóm đối tượng từ 60-69 tuổi chiếm tới 89%. Tỷ lệ người trong độ tuổi từ 25-45 chiếm đến 30%. Riêng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, năm 2021, tổng số lượt bệnh nhân đến thăm khám, điều trị tại 2 phòng khám (Đau mạn tính và Ngoại thần kinh) của bệnh viện là 24.000 lượt, trong đó khoảng 50% các trường hợp có liên quan đến vấn đề đau cột sống và gần 15% bệnh nhân có vấn đề đau cột sống rơi vào độ tuổi dưới 40.

Cũng theo TS-BS Nguyễn Minh Anh, thoái hóa cột sống lưng là bệnh mạn tính nặng dần theo thời gian và rất phổ biến trong cộng đồng. Thoái hóa cột sống lưng có thể biến chứng thành thoát vị đĩa đệm, xuất hiện ngay khi có một tác nhân đủ mạnh làm cho đĩa đệm bị chèn ép và thoát khỏi vị trí vốn có. Tác nhân ấy có thể đơn giản là việc mang vác nặng, vận động quá sức, cúi gập người đột ngột… Đĩa đệm thoát khỏi vị trí ban đầu sẽ chèn ép lên ống sống hoặc các dây thần kinh. Triệu chứng xuất hiện thường là các cơn đau, tê mỏi. Ngoài ra, thoát vị đĩa đệm còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác như rối loạn đại tiểu tiện, đau rễ thần kinh. Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể bị teo cơ, yếu liệt cơ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận động, sinh hoạt hàng ngày. 

Tùy vào từng giai đoạn của bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp như dùng thuốc, vật lý trị liệu, phẫu thuật… Đa phần các trường hợp ở giai đoạn sớm đều có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc, thay đổi tư thế làm việc và chế độ sinh hoạt. Cạnh đó, phần lớn các trường hợp bệnh nhân đều đáp ứng với điều trị bảo tồn nên bệnh tật thuyên giảm và khỏi bệnh. Chỉ một số nhỏ bệnh nhân khi các triệu chứng đau nhức ngày càng nặng dần, xuất hiện tình trạng yếu liệt cơ, người bệnh sẽ được chỉ định ngoại khoa (phẫu thuật) sau khi thất bại điều trị nội khoa. 

"Với các trang thiết bị hiện tại như kính vi phẫu, hệ thống theo dõi khiếm khuyết thần kinh trong mổ, kỹ thuật mổ xâm lấn tối thiểu, cho tỷ lệ thành công rất cao (đạt 90%-92%), các tai biến và biến chứng rất thấp; di chứng yếu liệt gần như không xảy ra. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát sau 3-5 năm ở mức 2%-10%, tùy thuộc vào các yếu tố tác động ban đầu có được điều chỉnh tốt hay chưa trên mỗi bệnh nhân”, TS-BS Nguyễn Minh Anh nói.

Để phòng tránh bệnh, TS-BS Nguyễn Minh Anh khuyến cáo, ngay khi có các triệu chứng của bệnh, người dân nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa xương khớp, chấn thương chỉnh hình để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp. Không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau hoặc tự điều trị bằng các thuốc đắp trôi nổi trên thị trường để tránh các biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị sau này. Để phòng ngừa thoái hóa cột sống, nên chú ý thay đổi tư thế làm việc mỗi giờ, duy trì chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung canxi. Nên uống nhiều nước, tập luyện các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi và tốt cho cột sống như bơi lội, đi bộ, thể dục dưỡng sinh… 

Tin cùng chuyên mục