
Trước những bức xúc của dư luận về tình trạng sữa thiếu đạm tràn lan trên thị trường nhưng cơ quan quản lý khi phát hiện không công bố kịp thời, ngày 13-2, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Châu đã giải trình trước lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin - Truyền thông và Hội Nhà báo TPHCM cùng các đại diện Ban biên tập báo đài.

Tranh: PS
Trước câu hỏi tại sao Sở Y tế TPHCM đã có được một danh sách 10 mẫu sữa “ăn bớt” độ đạm mà Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Văn phòng phía Nam gửi từ ngày 4-10-2008 nhưng lại không công bố cho người tiêu dùng biết, bác sĩ Nguyễn Văn Châu cho rằng ngay sau khi nhận được báo cáo về 10 mẫu sữa thiếu độ đạm mà Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng gửi qua, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra và phát hiện 5 công ty phân phối, sản xuất sữa trên địa bàn TPHCM có sản phẩm vi phạm.
Trên cơ sở đó, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm kê, niêm phong và tiến hành xử phạt với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng, đồng thời tiêu hủy hơn 300kg sữa và ngăn chặn các mặt hàng sữa này ra thị trường. Trong đó, sở đã đình chỉ hoạt động Công ty TNHH Hùng Lâm, nơi có 5 sản phẩm sữa bột Food Milk đều không đạt hàm lượng đạm, buộc tiêu hủy 160 kg sữa không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh.
Đến ngày 15-12-2008, Sở Y tế đã có báo cáo kết quả thanh tra, xử lý những cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa thiếu đạm và việc tiêu hủy nói trên cho Văn phòng phía Nam Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng. Cũng theo bác sĩ Châu, sở cũng đã gửi báo cáo cho Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế). Qua đó, bác sĩ Châu khẳng định Sở Y tế TPHCM đã làm tròn trách nhiệm và không hề có chuyện “ém nhẹm” thông tin như dư luận nói.
Tuy nhiên, theo đại diện Ban biên tập của một tờ báo thì vì sao ngành y tế đã phát hiện được sản phẩm sữa thiếu đạm từ tháng 10-2008 nhưng không kịp thời công bố cho người dân mà để đến hôm nay mới vỡ lở ra. Nếu báo chí không phanh phui thì liệu ngành y tế có công bố? “Cái gì liên quan đến quyền lợi, sức khỏe người dân thì không có lý do gì bảo vệ quyền lợi của một số ít doanh nghiệp mà không công bố thông tin” - đại diện cơ quan báo chí thắc mắc.
Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Châu cho rằng những sản phẩm độc hại cho sức khỏe người dân thì đúng là phải kịp thời công bố nhưng nay chưa có quy chế thực hiện thì biết làm sao! Với vai trò bảo vệ sức khỏe người dân, Sở Y tế ý thức trách nhiệm cập nhật thông tin cho dân nhưng phải đúng quy chế, pháp luật.
Băn khoăn về trách nhiệm này, đại diện Ban biên tập Báo Tuổi Trẻ nói: “Ai phải chịu trách nhiệm về việc này chứ không thể đổ thừa cho quy chế. Nếu người dân có thông tin sớm hơn họ sẽ cảnh giác và kiểm tra khẩu phần ăn của con mình”. Đề nghị Sở Y tế sớm giải quyết quy chế chứ không sẽ rơi vào cái vòng lẩn quẩn.
Trong khi đó, nhà báo Đặng Thị Vân An, Trưởng đại diện phía Nam Cục Báo chí, bức xúc vì theo công bố của ngành y tế có những sản phẩm sữa chỉ chưa tới 2% độ đạm. “Sữa mà độ đạm còn ít hơn bột sắn. Nếu lãnh đạo ngành y tế có con cháu ăn phải những loại sữa như thế có đau đớn không. Vậy mà ngay khi phát hiện ngành y tế không công bố ngay để kéo dài từ tháng 9-2008 đến nay” - nhà báo Vân An nói.
Trả lời thắc mắc này, bác sĩ Nguyễn Văn Châu nhắc lại là ngành y tế thành phố đã kịp thời vào cuộc kiểm tra, xử lý và khẳng định đã giám sát triệt để số sữa mà Văn phòng phía Nam Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam “chỉ điểm”. Tuy nhiên, bác sĩ Châu cũng khuyến cáo là sữa kém chất lượng vẫn tồn tại trên thị trường.
Một số ý kiến cũng thắc mắc rằng hiện người tiêu dùng rất mù mờ vì một số sản phẩm sữa công bố thông tin chưa đầy đủ như sữa chiết xuất từ sữa bò hay sữa dê, hay bột mì và gồm những thành phần nào? Bác sĩ Nguyễn Văn Châu cho biết các sản phẩm sữa đến nay vẫn chưa công bố hướng dẫn là sữa cho người lớn thì cần bao nhiêu độ đạm, trẻ em thì bao nhiêu và người già cần bao nhiêu đạm.
Mặt khác, bác sĩ Châu cho rằng nếu liên hệ với thuốc tây thì cho thấy thuốc có những công bố tiêu chuẩn đầy đủ và sữa cũng cần như vậy. Tuy nhiên, hiện quy trình công bố tiêu chuẩn đối với sữa thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, còn Sở Y tế chỉ hậu kiểm.
Vậy nhưng một số ý kiến cho rằng sự hậu kiểm của ngành y tế thành phố quá lỏng lẻo bởi qua vụ sữa thiếu đạm cho thấy chính cơ quan quản lý không phát hiện được mà để Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng phát hiện.
LÂM TUỆ
Thông tin liên quan:
> Kiểm tra chất lượng sữa: Khó xử lý vì chưa có quy định
> Sữa bột thiếu đạm: Chỉ là xác sữa hòa với đường!
> Về vụ sữa không đảm bảo chất lượng: Xiết chặt hậu kiểm