Không để tăng giá hàng hóa dịp tết

TPHCM đã chuẩn bị hàng hóa với số lượng lớn, mở rộng các hoạt động bình ổn thị trường cũng như kết nối với các địa phương để đưa sản phẩm thiết yếu vào kinh doanh tết với cam kết không để thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Bổ sung lượng lớn hàng hóa

Để chuẩn bị nguồn hàng cho mùa kinh doanh tết được đầy đủ, không xảy ra thiếu hàng, sốt giá cục bộ, TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc triển khai bình ổn thị trường.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, năm nay các doanh nghiệp dành khoảng 22.000 tỷ đồng để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, hơn 8.500 tỷ đồng để chuẩn bị hàng bình ổn thị trường với tỷ trọng chiếm 25%-43%. “Các doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng nguồn hàng hóa, tổ chức bán hàng lưu động, quyết tâm không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2024 trong mọi tình huống”, ông Phương khẳng định.

xhh8a-1642-755.jpg
Doanh nghiệp đã chuẩn bị tăng lượng hàng phục vụ mùa mua sắm tết

Tham gia chuẩn bị hàng hóa cho mùa tết, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết: “Từ tháng 6 năm nay, Saigon Co.op đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cho mùa kinh doanh tết. Tới nay, công tác dự trữ hàng hóa đã hoàn tất”.

Theo đó, tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu phục vụ tết của Saigon Co.op lên đến 10.000 tỷ đồng, tăng từ 20%-50% so với tháng kinh doanh bình thường. Cũng theo ông Sơn, thời gian qua, một số nhà cung cấp của Saigon Co.op đã gửi đề nghị tăng giá do kinh doanh khó khăn, chi phí đầu vào tăng; tuy nhiên Saigon Co.op vẫn chủ trương chính sách giữ giá, yêu cầu nhà cung cấp phải chứng minh lô hàng do ảnh hưởng trực tiếp của chi phí đầu vào thì mới xem xét điều chỉnh giá trong biên độ nhất định (trên nguyên tắc chia sẻ lợi nhuận để giữ giá tốt nhất cho người tiêu dùng).

Ngoài chuẩn bị một lượng lớn nguồn hàng, năm 2023 là năm cao điểm TPHCM đẩy mạnh liên kết vùng với 38 tỉnh, thành thuộc 5 vùng kinh tế trên cả nước. Đây là hoạt động kết nối 2 chiều, không chỉ hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, mà còn bổ sung nguồn hàng bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng TPHCM. Qua hoạt động liên kết vùng và kết nối trực tiếp với doanh nghiệp phân phối, đến nay đã có hàng ngàn đặc sản, sản phẩm chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tiếp cận, chào hàng đến người tiêu dùng TPHCM.

Chú trọng kiểm soát chất lượng

Song song với công tác chuẩn bị nguồn hàng, việc kiểm tra, kiểm soát hàng gian hàng giả, gian lận thương mại, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm cũng là hoạt động quan trọng từ nay đến cuối năm mà TPHCM triển khai.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM, cho biết, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng thực phẩm (sữa các loại, đồ uống, rượu sản xuất thủ công, bánh kẹo, thực phẩm chế biến...), phân bón, xăng dầu, đồ điện gia dụng, hàng tiêu dùng. Cùng với đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, pháo nổ, pháo hoa các loại…

Về phía đơn vị phân phối, bà Lê Thị Ngọc Mẫn, Giám đốc Kế hoạch Tổng hợp Saigon Co.op, cho biết, tại Saigon Co.op, công tác kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được quán triệt và huy động mọi nguồn lực trong hệ thống để tổ chức thực hiện. Theo đó, nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng an tâm mua sắm đã được đưa ra gồm: kiểm soát chặt các hồ sơ pháp lý, hồ sơ chất lượng hàng hóa và hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; kiểm soát chất lượng hàng hóa tại điểm bán và nhà cung cấp; nâng cao khả năng xét nghiệm của phòng thí nghiệm gấp 5 - 10 lần so với ngày thường; vận hành hiệu quả xe kiểm nghiệm thực phẩm lưu động nhằm kịp thời kiểm soát chất lượng thực phẩm ngay tại nguồn…

“Các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là nhóm hàng phục vụ tết như bánh mứt kẹo, giò chả, rau củ quả, trái cây… sẽ được kiểm tra chất lượng ngay tại trung tâm phân phối và test nhanh trước khi lên quầy kệ tại siêu thị. Các chỉ tiêu được kiểm tra gồm kháng sinh trong thủy hải sản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ tiêu vi sinh, chất tăng trọng, hàn the, formol, chất tẩy trắng…”, bà Mẫn cho biết.

Tin cùng chuyên mục