Không được từ chối tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm

Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố... 
Đồng chí Trần Thế Lưu phát biểu tại lễ ký kết
Đồng chí Trần Thế Lưu phát biểu tại lễ ký kết

Chiều 12-1, Quy chế phối hợp liên ngành trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan liên quan trên địa bàn TPHCM (gọi tắt là Quy chế phối hợp) đã được ký kết giữa 13 đơn vị. 

Đồng chí Trần Thế Lưu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM; đồng chí Dương Ngọc Hải, Viện trưởng Viện KSND TPHCM cùng chủ trì buổi lễ ký kết.

Các đơn vị tham gia ký kết Quy chế phối hợp gồm: Viện KSND TPHCM, Công an TPHCM, TAND TPHCM, Bộ đội Biên phòng TPHCM, Thanh tra TPHCM, Sở Tư pháp TPHCM, Sở Tài nguyên và Môi Trường TPHCM, Cục Hải quan TPHCM, Cục Thi hành án dân sự TPHCM, Cục Thuế TPHCM, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, Chi Cục kiểm lâm TPHCM và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TPHCM.

Nội dung phối hợp gồm: thông báo, cung cấp, trao đổi thông tin về tội phạm và kết quả tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; phối hợp phân loại xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm hình sự; kiểm tra, kiểm sát công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trên địa bàn thành phố theo quy định pháp luật.

Một trong những quy định quan trọng được xác định trong Quy chế phối hợp là cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Sau khi tiếp nhận, xử lý phải có trách nhiệm giải quyết kịp thời và thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Trường hợp tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có cơ sở xác định có dấu hiệu của tội phạm, nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị mình thì chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết (kèm tài liệu có liên quan), không được xử lý hành chính để hợp thức hóa việc giải quyết tố giác, tin báo.

Đối với tin tố giác, tin báo nặc danh nhưng có nội dung cụ thể, rõ ràng, cơ quan tiếp nhận tin có trách nhiệm xử lý như các tin tố giác, tin báo. Đặc biệt là cơ quan tiếp nhận, giải quyết phải giữ bí mật cho cơ quan, tổ chức, người cung cấp thông tin và hướng dẫn biện pháp, cách thức giữ bí mật những thông tin đã cung cấp, tố giác.

Không được từ chối tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm ảnh 1 Các đơn vị ký kết Quy chế phối hợp
Phát biểu tại lễ ký kết, đồng chí Trần Thế Lưu nêu một thực tế rằng hiện nay ý thức thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; một số văn bản hướng dẫn thi hành chưa rõ ràng, còn chồng chéo nên việc thực hiện gặp lúng túng...
Theo đồng chí Trần Thế Lưu, kiểm sát tốt việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có hiệu quả rất lớn đến việc nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự, hạn chế oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Trong điều kiện các văn bản hướng dẫn còn chồng chéo thì việc có quy chế phối hợp thực hiện nội dung này là yêu cầu cấp thiết.
Đồng chí đề nghị trên cơ sở quy chế được ký kết và ban hành, các đơn vị cần chủ động triển khai, quán triệt đến cán bộ, công chức đơn vị mình nắm và thực hiện. Đặc biệt đối với các cơ quan có chức năng xử lý, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm nhưng chưa có hoạt động nổi bật thì cần rà soát lại các quy định để thực hiện tốt.

Tin cùng chuyên mục