Không khoan nhượng

Từ đầu năm nay, luật mới siết chặt các quy định về chống tham nhũng tại Nga chính thức có hiệu lực. Theo luật mới, các cơ quan nhà nước Nga thiết lập và cập nhật danh sách các quan chức trên toàn quốc từng bị cáo buộc tham nhũng hoặc bị sa thải vì “đánh mất lòng tin” sau các vụ bê bối tham nhũng.
Không khoan nhượng
Luật mới được áp dụng với tất cả cán bộ công chức Nga ở cấp liên bang cũng như địa phương, các quân nhân, cơ quan hành pháp, tập đoàn nhà nước và các tổ chức nhà nước.
Mục đích chính của việc lập và công khai danh sách những cán bộ tham nhũng là nhằm gây khó khăn cho các đối tượng này trong việc tiếp cận công việc mới tại các cơ quan nhà nước hoặc các tập đoàn thuộc sở hữu của nhà nước.
Khi danh sách này được công bố, cán bộ tham nhũng sẽ không thể giấu giếm lý do thực sự từng khiến họ bị sa thải nếu có ý định tìm kiếm việc làm trong tương lai.
Dựa vào bảng thống kê này, các cơ quan và tập đoàn nhà nước có thể từ chối tiếp nhận bất kỳ người nào từng có quá khứ liên quan tới tham nhũng vào làm việc.
Không khoan nhượng ảnh 1 Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: REUTERS
Các thông tin lưu trữ trong bảng thống kê này sẽ tồn tại trong vòng 5 năm. Các đối tượng chỉ được loại khỏi danh sách thống kê sớm hơn nếu biên bản liên quan đến hành vi tham nhũng được hủy hoặc nếu người đó qua đời.
Đây là lần đầu tiên tại Nga có một luật về chống tham nhũng có tính chất trừng phạt nặng những đối tượng lợi dụng chức vụ để phạm tội tham nhũng.
Trước khi luật mới ra đời, các doanh nghiệp Nga vẫn sử dụng các tài liệu gọi là “sách lao động” ghi lại quá trình làm việc của người lao động. Do những người lao động được quyền giữ tài liệu này nên tính xác thực của nó vẫn khó có thể kiểm chứng.
Tham nhũng hiện được xem là vấn nạn tại Nga, gây nhức nhối cho xã hội vì mức độ thiệt hại lớn. Tổng công tố liên bang Nga Yuri Chaika cho biết thiệt hại về kinh tế do các vụ tham nhũng tại Nga trong vòng 2 năm qua ước tính hơn 2,5 tỷ USD.
Hiện nhà nước mới thu về khoảng 60% số tiền bồi thường trong mức thiệt hại này. Từ năm 2014 cho đến cuối năm ngoái, giới chức Nga đã phát hiện 122.000 vụ tham nhũng trên toàn quốc.
Cũng trong khoảng thời gian này, có 45.000 người đã chịu án tù vì tội tham nhũng. Theo hãng tin Sputnik, các ngành dễ tham nhũng nhất tại Nga nằm trong các đơn vị thực thi pháp luật, quan chức địa phương, cũng như các bác sĩ, giáo viên và trong quân đội.
Chống tham nhũng là một trong những mục tiêu nhằm làm trong sạch bộ máy công chức của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Putin cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng là yếu tố tối quan trọng để đưa nước Nga đi vào quỹ đạo phát triển bền vững.
Khi chống tham nhũng phải phân biệt rõ những kẻ muốn lợi dụng cuộc chiến chống tham nhũng để thăng quan tiến chức với những người thực sự muốn tận diệt căn bệnh này vì sự phồn vinh của đất nước.
Trong cuộc chiến với nạn tham nhũng, Chính phủ Nga đã xử lý kiên quyết nhiều quan chức lạm dụng chức quyền trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là các quan chức ở trung ương. Vào những năm gần đây, đã có không ít đối tượng là cán bộ cấp cao phải ra trước vành móng ngựa.
Hàng loạt tỉnh trưởng và tướng lĩnh bị miễn nhiệm. Sự quyết liệt của Tổng thống Putin trong cuộc chiến này đã và đang nhận được sự ủng hộ cao từ người dân Nga.

Tin cùng chuyên mục