Không nên cách ly sản phụ và thân nhân

“Đạo lạc” là thuật ngữ dịch từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là hướng dẫn vui vẻ trước khi sinh, ngày nay “đạo lạc” đã phát triển trên toàn thế giới. Ca dao có câu: “Đàn ông đi biển có đôi. Đàn bà vượt cạn mồ côi một mình” cho thấy quá trình sinh con của người phụ nữ thật cô đơn và gian khổ.

Tuy nhiên, tại một số bệnh viện phụ sản của TPHCM, khi thai phụ có dấu hiệu sinh như vỡ ối, đau bụng hoặc không có dấu hiệu gì khác, nhưng đã đến ngày dự sinh đều được đưa vào khu vực cách ly sau khi làm thủ tục nhập viện, lưu trú cho đến khi hoàn thành quá trình sinh mới được gặp thân nhân. Từ khi bị cách ly, tất cả mọi sinh hoạt liên quan đến bên ngoài như: trò chuyện, ăn uống và nhu cầu được chu cấp vật dụng đều thông qua máy điện đàm và nhân viên bệnh viện. Thông thường, từ khi bị cách ly đến khi sinh xong phải trải qua một khoảng thời gian nhất định (ngắn nhất là 12 giờ), có người phải đến vài ngày sau mới sinh. Khi bước vào giai đoạn cao điểm như đau chuyển dạ trước khi sinh, sản phụ rất căng thẳng, họ thường rên rỉ, la hét hoặc vật vã quằn quại khiến sản phụ mất rất nhiều sức.

Theo các bác sĩ sản khoa, nếu kiềm chế cảm xúc khi đang bị co thắt sẽ giúp sản phụ không mất nhiều sức lúc sinh. Trò chuyện thân mật với thân nhân trước khi sinh rất quan trọng, giảm lo lắng cho sản phụ đồng thời tăng sức chịu đựng khi nhận được lời động viên. “Đạo lạc” giúp sản phụ lạc quan, từ đó bước vào cuộc sinh một cách tự tin. Vấn đề này các nữ hộ sinh không thể đảm đương được vì cùng lúc phải chăm sóc cho nhiều sản phụ, bác sĩ chỉ xuất hiện vào những trường hợp đặc biệt và khi sản phụ lên bàn sinh. Do vậy, việc cách ly sản phụ quá sớm, theo tôi, cần xem xét lại. Thiết nghĩ, chỉ nên cách ly sản phụ khi họ sắp lên bàn sinh.

NGỌC LINH

Tin cùng chuyên mục