Không nên “làm khó” hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh có những đặc điểm khác biệt so với doanh nghiệp là hoạt động nhỏ lẻ, đơn giản. Do đó, việc thiết kế thủ tục đăng ký kinh doanh cũng cần phải đảm bảo đơn giản, thuận tiện, để thu hút các chủ thể này thực hiện hoạt động đăng ký...

Bộ KH-ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định về hộ kinh doanh, nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các cá nhân, hộ gia đình; tiếp tục cải cách, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hộ kinh doanh để nâng cao chất lượng dịch vụ công, đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký hộ kinh doanh; góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, tăng cường công tác quản lý nhà nước, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Hộ kinh doanh là một chủ thể kinh doanh tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam từ trước đến nay và chiếm một số lượng khá đông đảo (khoảng 5 triệu). Trong khi, các quy định hiện hành để công nhận và xác định địa vị pháp lý cho hộ kinh doanh còn chưa rõ ràng, như: hộ kinh doanh là chủ thể kinh doanh như thế nào so với các chủ thể kinh doanh khác trong nền kinh tế như doanh nghiệp, hợp tác xã. Chính vì vậy, việc xây dựng một văn bản quy định về hộ kinh doanh là cần thiết. Tuy vậy, dự thảo hiện tại chỉ đang tập trung vào các quy định liên quan đến đăng ký hộ kinh doanh, thủ tục gia nhập thị trường, chưa có các quy định về quá trình hoạt động sau khi đăng ký kinh doanh (ví dụ như: mối quan hệ lao động giữa các thành viên trong hộ kinh doanh, vấn đề tiền lương, tiền công, vấn đề thuế trong hộ kinh doanh…); đồng thời, một số quy định còn đang “làm khó” hộ kinh doanh.

Cán bộ tiếp nhận hồ sơ doanh nghiệp ở Sở KH-ĐT TPHCM (ảnh minh họa). Ảnh: MAI HOA
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ doanh nghiệp ở Sở KH-ĐT TPHCM (ảnh minh họa). Ảnh: MAI HOA

Chẳng hạn, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, dự thảo yêu cầu hộ kinh doanh phải ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh chính theo mã ngành cấp 4 (gồm 486 ngành) là chưa phù hợp, gây khó khăn cho các chủ thể đăng ký kinh doanh. Mặt khác, dự thảo cũng như các quy định hiện hành chưa có quy định“ngành, nghề đăng ký kinh doanh chính”.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định trường hợp thông tin cá nhân được kê khai khác với thông tin được lưu trữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chủ hộ kinh doanh có trách nhiệm liên hệ với cơ quan quản lý để hiệu chỉnh trước khi thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh. Tuy nhiên, quy định trên sẽ khiến cho việc đăng ký của hộ kinh doanh bị kéo dài vì họ phải thực hiện thêm thủ tục hiệu chỉnh thông tin rồi mới quay trở lại thực hiện đăng ký kinh doanh. Việc này có thể rút ngắn bằng cách cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo tới cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hiệu chỉnh thông tin trong hệ thống dữ liệu này.

Hay như quy định hộ kinh doanh, địa điểm kinh doanh sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký khi kinh doanh, đầu tư ngành nghề có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện kinh doanh. Trong khi, nếu họ vi phạm về điều kiện kinh doanh của một ngành nghề thì chỉ nên bị ngừng kinh doanh của ngành nghề đó, còn các ngành, nghề còn lại vẫn được phép kinh doanh.

Hộ kinh doanh có những đặc điểm khác biệt so với doanh nghiệp là hoạt động nhỏ lẻ, đơn giản. Do đó, việc thiết kế thủ tục đăng ký kinh doanh cũng cần phải đảm bảo đơn giản, thuận tiện, để thu hút các chủ thể này thực hiện hoạt động đăng ký; đồng thời thể hiện tinh thần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn.

Tin cùng chuyên mục