Đối chiếu với Cương lĩnh hiện hành về thời kỳ quá độ tiến lên CNXH ở Việt Nam được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ VII, năm 1991, dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội X có thay đổi một số điểm quan trọng về đặc trưng của CNXH và phương hướng cơ bản chỉ đạo quá trình xây dựng CNXH như sau:
– Dự thảo cho rằng “xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.
– Về đặc trưng thứ nhất, trong Cương lĩnh hiện hành nêu là xã hội “do nhân dân lao động làm chủ” thì dự thảo bỏ hai chữ “lao động” mà chỉ nêu là “nhân dân làm chủ”.
– Về đặc trưng thứ hai, trong Cương lĩnh hiện hành nêu “Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” thì dự thảo bỏ câu “chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” rồi thay bằng “quan hệ sản xuất phù hợp”.
– Về đặc trưng thứ tư, Cương lĩnh hiện hành nêu “con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân” thì dự thảo bỏ hai chữ “bóc lột” và bỏ nguyên tắc “làm theo năng lực hưởng theo lao động”.
– Về phát triển kinh tế, dự thảo nêu “phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” không nêu như Cương lĩnh hiện hành “phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng XHCN, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Kinh tế quốc doanh và tập thể ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân”.
– Khi nêu vấn đề thực hiện đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì dự thảo không nêu là “dựa vào nền tảng khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và từng lớp trí thức” như trong Cương lĩnh hiện hành.
– Trong quan hệ quốc tế, dự thảo chỉ nêu “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” không còn nêu như trong Cương lĩnh hiện hành là “Trung thành với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, đoàn kết với các nước XHCN, với tất cả lực lượng đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”.
Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội X sửa lại Cương lĩnh hiện hành như trên cần có sự bàn bạc thật kỹ lưỡng thấu đáo.
Vấn đề được dự thảo Báo cáo Chính trị nêu như trên, đã bộc lộ sự trái ngược với bài học lớn thứ nhất được rút ra sau 20 năm đổi mới. Đó là “Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Chủ nghĩa xã hội theo lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa xã hội với 6 đặc trưng và 7 phương hướng cơ bản để xây dựng nên xã hội đó, được diễn đạt như trong Cương lĩnh hiện hành.
Đại hội Đảng lần IX đã từng chỉ rõ: “Thực tiễn phong phú và những thành tựu thu được qua 15 năm đổi mới đã chứng minh tính đúng đắn của Cương lĩnh được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ VII, đồng thời giúp chúng ta nhận thức ngày càng rõ hơn con đường đi lên CNXH ở nước ta. Chúng ta, một lần nữa khẳng định: Cương lĩnh là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam từng bước quá độ lên CNXH, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng hiện nay và trong những thập kỷ tới” (l).
Tôi cho rằng Đại hội Đảng lần thứ IX chỉ ra như vậy là rất đúng. Vấn đề thuộc về cương lĩnh là vấn đề lớn nhất trong xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của Đảng. Vì nó quyết định việc xây dựng Đảng về chính trị, về tư tưởng, về tổ chức nhân sự.
Tôi đề nghị, nếu Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục giữ như bản dự thảo để trình ra Đại hội X, thì cần có một báo cáo chuyên đề về sửa đổi cương lĩnh của Đảng, có thuyết minh rõ ràng, đầy đủ về mặt lý luận, về mặt tổng kết thực tiễn. Về thì giờ thảo luận vấn đề này ở đại hội cũng cần được bố trí thích đáng, để đại biểu tham dự đại hội có thể nghiên cứu thảo luận thật kỹ trước khi biểu quyết. Sửa đổi Điều lệ Đảng có báo cáo riêng, thì sửa đổi Cương lĩnh của Đảng càng phải có báo cáo chuyên đề, không nên nêu lẫn vào trong phần “đánh giá khái quát 20 năm đổi mới”.
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ IX, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2001, tr.83
TRẦN TRỌNG TÂN