
Ngày 20-5, Viện Nghiên cứu xã hội TPHCM và Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học, trao đổi về công trình nghiên cứu “Quản lý, dạy nghề và giáo dục phục hồi nhân cách cho người sau cai nghiện - vấn đề và kinh nghiệm ở TPHCM”. Vấn đề “nóng” nhất của buổi tọa đàm là việc đánh giá hiệu quả của đề án dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu xã hội.
Tính toán quá “lạnh lùng”...

Người sau cai nghiện đang được quản lý, dạy nghề tại Trung tâm Giáo dục lao động bảo trợ xã hội Phú Văn.
Với tư cách là một trong những chủ nhiệm của công trình nghiên cứu, TS Hồ Bá Thâm (Viện Nghiên cứu xã hội TP – NCXH TP) cho biết, đây là công trình tổng kết thực tiễn thực hiện đề án thí điểm quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện thông qua góc độ của các nhà nghiên cứu xã hội (chứ không phải là đánh giá của các nhà hoạch định chính sách, quản lý nhà nước).
Qua đó xác định rõ những khó khăn và thuận lợi trong hoạt động quản lý, dạy nghề cho người sau cai nghiện ma túy. Đồng thời, đưa ra các giải pháp khả thi về các hoạt động liên quan đến người sau cai, một loại đối tượng đặc biệt, chưa có tiền lệ.
Tuy nhiên, trước một số nhận định của dư luận cho rằng TPHCM đã chi trên 1.222 tỷ đồng trong 5 năm thực hiện thí điểm đề án và chỉ thu về chưa tới 320 triệu đồng tổng giá trị tạo ra, là một sự đầu tư không hiệu quả, thậm chí một số ý kiến yêu cầu dừng thực hiện đề án, phần lớn các học giả tham dự buổi tọa đàm đều cho rằng, đánh giá, kết luận như vậy là quá vội vàng, thiếu cơ sở. TS Nguyễn Thị Hậu (Phó Viện trưởng Viện NCXH TP) khẳng định, nếu nhìn dưới góc độ kinh tế đơn thuần thông qua những con số nêu trên để đánh giá, tính toán hiệu quả của đề án là quá “lạnh lùng”. Nếu thật sự “tính toán” cho hết tất cả những gì mà nhà nước, xã hội đã bỏ ra để thực hiện đề án thì chắc chắn không dừng lại con số 1 hay 2 ngàn tỷ đồng.
TS Lê Khánh Thắng bổ sung: “Hàng ngàn hécta đất, hàng chục ngàn con người được đào tạo, có trình độ chấp nhận lên các trường, trung tâm… xa xôi, hẻo lánh để công tác, liệu có “tính toán” đủ và cho ra một con số đầu tư cụ thể không? Vậy mà người ta chỉ chú ý đến duy nhất một con số sau khi cộng trừ nhân chia bằng phép tính, mà không quan tâm đến việc trên 30.000 người nghiện nếu không có biện pháp quản lý sẽ gây ra thiệt hại cho xã hội là bao nhiêu? Đánh giá hiệu quả đề án dưới góc độ kinh tế phải nằm trong tổng thể của hiệu quả xã hội và rõ ràng hơn ai hết chính người dân TP cảm nhận rõ nhất điều đó!”.
Tiếp tục nghiên cứu...
Giám đốc Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF), GS Kenichi Ohno, cho rằng, nghiên cứu vấn đề người sau cai nghiện là một vấn đề phức tạp, nó luôn có sự khác biệt về cách nhìn nhận của những người nghiên cứu với các nhà hoạch định chính sách. Vì vậy, VDF sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ để các bên ngồi lại với nhau nhằm hướng đến những giải pháp mang tính đồng thuận cao nhất. Nghiên cứu viên của VDF Dương Kim Hồng cũng hứa sẽ tiến hành các cuộc hội thảo tại Hà Nội để phổ biến kinh nghiệm và thực tế triển khai đề án tại TPHCM với các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
TS Nguyễn Thị Hậu cho biết thêm, Viện NCXH TP sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đúng thực trạng, qua đó có tiếng nói mạnh hơn cho các nhà hoạch định chính sách đưa ra các giải pháp, kế hoạch quản lý, dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện có hiệu quả cao hơn nữa. Trong đó sẽ quan tâm nhiều đến việc khai thác làm sao cho hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất mà TP đã đầu tư cho hơn 20 trường, trung tâm.
Các nhà nghiên cứu có mặt tại buổi tọa đàm đều cho rằng, cần có sự tác động ở tầm quốc gia để Chính phủ có những chính sách cùng TPHCM khai thác hiệu quả các trường, trung tâm. Cụ thể, có thể có chính sách đưa tất cả các đối tượng nghiện ma túy, mại dâm từ các địa phương trong khu vực về tập trung ở các trung tâm do TP quản lý để tránh được sự lãng phí, đồng thời kinh nghiệm của TP cũng sẽ làm cho công tác quản lý hiệu quả hơn.
Một vấn đề quan trọng hơn, theo ý kiến của Th.S Trần Đan Tâm (Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ), ngoài việc tiếp tục nghiên cứu các giải pháp sau cai thì cần nhanh chóng triển khai các công trình nghiên cứu xã hội phòng, chống các đối tượng nghiện mới. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy đối tượng học sinh, thanh niên rất dễ tiếp cận ma túy.
Trong khi các yếu tố để “ngăn chặn” sự tiếp cận ma túy từ gia đình, nhà trường cho đến xã hội không thực hiệu quả, thậm chí là không thể. Do đó, nếu chỉ tập trung vào nghiên cứu cho các giải pháp “hậu cai” mà không có chính sách ngăn chặn sự xuất hiện các đối tượng nghiện mới thì cũng khó để đánh giá hiệu quả hiệu quả xã hội thực chất của các chính sách liên quan đến phòng chống ma túy.
Một số đề xuất của công trình nghiên cứu: - Tạo thêm cơ sở pháp lý vững chắc cho giải pháp “hậu cai”, tái hòa nhập cộng đồng của người sau cai nghiện. - Tạo nguồn lực cán bộ có chất lượng, phẩm chất cho các trung tâm. - Quan tâm hơn nữa đến bữa ăn, sức khỏe của người cai nghiện và sau cai nghiện. - Tập trung đúng mức cho nhiệm vụ chính ở giai đoạn sau cai: dạy văn hóa và dạy nghề. - Xây dựng các trung tâm cai nghiện đủ điều kiện trở thành “làng sản xuất - cụm công nghiệp”. - Xác định mô hình quản lý người sau cai nghiện. - Cần có tầm nhìn xa và kế hoạch dài hạn về vấn đề quản lý, dạy nghề và tạo việc làm cho người cai nghiện và sau cai nghiện. |
Ngọc Lữ