Không thể để các giáo sư, các nhà khoa học nghiên cứu đi tiếp thị sản phẩm

Nhiều nhà khoa học mong muốn chính sách mới sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu, sáng tạo ra những công trình, sản phẩm hữu ích mà không bị vướng bận, ràng buộc bởi các rào cản về thủ tục hành chính.
Hội nghị Khảo sát của Bộ GD-ĐT
Hội nghị Khảo sát của Bộ GD-ĐT

Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT), Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã có buổi làm việc với các trường đại học ở TPHCM như Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Đại học Nông Lâm TPHCM, ĐH Sư phạm TPHCM về một số nội dung liên quan đến hoạt động KHCN tại các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH). Trọng tâm là lấy các ý kiến góp ý cho các dự thảo liên quan đến cơ chế chính sách về phát triển nhóm nghiên cứu mạnh; khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao tri thức; chính sách đầu tư phát triển một số phòng thí nghiệm liên ngành gắn với thực hiện các chương trình nghiên cứu trọng điểm để phát triển một số trường đại học trọng điểm.

Cần có bộ phận chuyển giao công nghệ

Thực tế, các trường đại học rất quan tâm đến Dự thảo quy định hướng phát triển nghiên cứu mạnh trong các cơ sở GDĐH. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh tự chủ cho các trường đại học về tài chính để chủ động hơn trong việc đầu tư cho các nghiên cứu mạnh, chuyển giao sản phẩm, khởi nghiệp, sáng tạo cũng như phát triển các phòng thí nghiệm. Đặc biệt, có một số ý kiến cho rằng, cần “mở về đầu vào nhưng siết chặt về đầu ra” trong các nghiên cứu mạnh. Các nghiên cứu mạnh phải có chương trình hành động cụ thể và sau 5 năm, với nguồn hỗ trợ kinh phí nhất định họ phải cho ra kết quả tương ứng với đầu tư của nhà nước.

Liên quan đến nội dung đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, TS Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y sinh, Trường ĐH Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) đồng tình với quan điểm cần có một trung tâm, cơ quan độc lập trong trường đại học để hỗ trợ các nhà khoa học đưa kết quả nghiên cứu, ý tưởng sáng tạo đến với thị trường.

TS Nguyễn Bá Hải, Trường Đại học Sư Phạm Kỹ TPHCM đồng tình với nội dung hướng tới xếp hạng các cơ sở GDĐH theo định hướng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Điều đó sẽ thúc đẩy sự chuyển động của các trường về vấn đề này. Ngoài ra, là một nhà khoa học, TS Nguyễn Bá Hải cũng mong muốn chính sách mới sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu, sáng tạo ra những công trình, sản phẩm hữu ích mà không bị vướng bận, ràng buộc bởi các rào cản về thủ tục hành chính.

Đặc biệt, các nhà khoa học góp ý cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng để tạo ra những sản phẩm, sáng chế, giải pháp hữu ích, ứng dụng thiết thực trong xã hội nhằm mang lại giá trị gia tăng về kinh tế. Các trường cũng mong muốn có cơ chế linh hoạt, linh động về quy đổi giờ dạy cho các giảng viên tham gia nghiên cứu để khuyến khích phát triển KHCN trong cơ sở GDĐH. 

“Cần có bộ phận chuyển giao công nghệ, không thể để các giáo sư, các nhà khoa học nghiên cứu đi tiếp thị, tìm nguồn ra cho sản phẩm nghiên cứu có tính ứng dụng cao” PGS - TS Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đề xuất.
Cùng với đó, đại diện các trường đại học cũng cho rằng, các nghiên cứu mạnh cần được nhà nước đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KHCN thông qua đề tài nghiên cứu để tạo ra sản phẩm có giá trị tri thức cao, có tác động lớn, ứng dụng rộng rãi và mang tầm quốc gia, quốc tế. Nếu giải quyết tốt cơ chế tài chính khoán đến sản phẩm nghiên cứu cuối cùng, nhằm giảm các thủ tục hành chính cho các nhà khoa học thì việc xây dựng thành công các nhóm nghiên cứu mạnh trong các trường đại học với hướng nghiên cứu chuyên sâu giải quyết các bài toán lớn của thị trường công nghệ Việt Nam hiện nay, hướng đến việc hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc… là điều hoàn toàn khả thi. 


PGS-TS Lê Đình Đôn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nghệ sinh học và Môi trường, trường Đại học Nông Lâm TPHCM cho rằng dự thảo cần hướng đến tháo “nút thắt”, tạo cơ chế thông thoáng hơn cho chính đội ngũ nghiên cứu. Trong đó, cho phép các nhà khoa học là tác giả các giải pháp công nghệ có thể thành lập doanh nghiệp KHCN trong trường đại học và được phép làm giám đốc doanh nghiệp này. Nếu không thì rất khó có thể xây dựng thành công mô hình khởi nghiệp doanh nghiệp trong các cơ sở GDĐH hiện nay. Dự thảo cần phải hướng đến việc tận dụng chất xám, sự thông tuệ của đội ngũ các nhà khoa học đã có “thương hiệu”, không nên giới hạn độ tuổi quản lý, bởi ở ngưỡng 60 tuổi thực tế mới là độ tuổi chín muồi để làm công tác NCKH.

Phải có chương trình nghiên cứu vươn tầm, khả thi trong 5-10 năm tới

Theo GS Tạ Ngọc Đôn, Bộ GD-ĐT xây dựng dự thảo này để tạo ra khung pháp lý chung cho các trường, không phân biệt lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ hay xã hội nhân văn. Các trường dựa vào khung pháp lý này để triển khai thực hiện dựa trên thế mạnh và đặc thù của mình, miễn là thúc đẩy KHCN phát triển đúng hướng và gia tăng tri thức vào thực tiễn phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 

“Riêng vấn đề nghiên cứu mạnh thì nên hình thành từ một số nhà khoa học cùng hướng nghiên cứu chính, nhưng mang tính liên ngành, từ một hoặc một số trường trong nước và quốc tế, chứ không phải chỉ trong một trường, và cũng không bắt buộc trường nào cũng phải có nghiên cứu mạnh”, GS  Tạ Ngọc Đôn nói. Tiêu chuẩn đặt ra là nghiên cứu mạnh phải có chương trình nghiên cứu vươn tầm, khả thi trong 5-10 năm tới, giải quyết các vấn đề mang tầm quốc gia, tiên phong trong từng lĩnh vực mà đất nước đang cần.

Tương tự, Bộ GD-ĐT cũng dự kiến xây dựng mô hình phòng thí nghiệm trọng điểm cấp bộ liên trường, liên khu vực, lĩnh vực chứ không phải đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm dành riêng cho một trường nào cả. Mục tiêu là đầu tư tập trung, không dàn trải và các phòng thí nghiệm này phải hoạt động theo cơ chế mở, tất cả các nhà khoa học có nhu cầu đều có thể đến làm việc. Chú trọng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên và nhất là trong cán bộ của các trường gắn với chuyển giao công nghệ để đưa các sản phẩm nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn.

Tin cùng chuyên mục