Vệ sinh an toàn thực phẩm

Không thể kiểm soát?

Không thể kiểm soát?

Đến thời điểm này, tất cả những gì liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) như bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, thực phẩm ngoại nhập qua đường biên giới… vẫn đều trong tình trạng báo động và tiềm ẩn đầy rẫy mối nguy hại đối với sức khoẻ con người.

  • Ngao ngán thực phẩm “bẩn”

Không thể kiểm soát? ảnh 1

Heo, gà, vịt quay “phơi” giữa bụi, khói xe là tình trạng phổ biến ở các điểm bán thực phẩm tại TPHCM.

Theo ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục ATVSTP, Bộ Y tế, một nguy cơ nhãn tiền hiện nay ở nước ta là hàng thực phẩm không bảo đảm chất lượng VSATTP.

Khảo sát của Cục Thú y về tình trạng ô nhiễm vi sinh vật (VSV) trong thịt và sữa tại một số điểm giết mổ, chợ, cửa hàng kinh doanh ở Hà Nội và TPHCM cho thấy, tỷ lệ mẫu thịt (gà, bò, lợn) không đạt tiêu chuẩn về cả 4 chỉ tiêu VSV: ở địa bàn Hà Nội là 81,3%, đặc biệt ở thịt bò là 100% số mẫu; ở địa bàn TPHCM là 32%.

Kết quả khảo sát của Cục Bảo vệ thực vật đánh giá dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong một số loại rau tiêu thụ trên thị trường Hà Nội và TPHCM cũng cho thấy, số mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở Hà Nội chiếm tới 69,4%, tại TPHCM chiếm tới 76,4%.

Tình hình ô nhiễm VSV trên một số thực phẩm ăn liền bán tại các chợ ở TPHCM cũng khá cao: 100% số mẫu bánh mì, xôi mặn; 89% số mẫu nước giải khát bán lẻ (sữa đậu nành, nước rau má, sữa tươi, nước mía) và 86% số mẫu heo quay, vịt quay không đạt yêu cầu về vi khuẩn chỉ điểm vệ sinh và vi khuẩn gây bệnh...

  • Vì sao thực phẩm không thể sạch?

Lý giải điều này, ông Trần Đáng cho hay, do đặc điểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở nước ta còn nhỏ lẻ, thủ công nên không bảo đảm các điều kiện về VSATTP, đặc biệt là ở các làng nghề sản xuất bánh kẹo, thực phẩm truyền thống. Mặt khác, kiểm soát thực phẩm nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ gần như còn bỏ ngỏ, vì số lượng nhập theo đường tiểu ngạch và nhập lậu rất lớn. Kiểm soát sản phẩm thủy sản tiêu dùng nội địa thì vẫn là lãnh địa “không người”.

Trong khi đó, tình trạng sử dụng chất bảo quản độc hại để bảo quản thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép trong rau vẫn lan tràn. Việc lưu thông, sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm vẫn còn phổ biến trong cả nước, đặc biệt là trong chế biến giò, chả, bánh truyền thống. Hàng thực phẩm giả, quá hạn sử dụng vẫn điềm nhiên có mặt trên thị trường và vô tư chui vào dạ dày người tiêu dùng. Kiểm soát vệ sinh giết mổ gia súc chỉ được 30%, diện tích trồng rau an toàn của cả nước chỉ chiếm 5%, chưa tới 40% chợ huyện đạt tiêu chuẩn VSATTP…

Đó là hàng loạt lý do khiến thực phẩm trên thị trường Việt Nam vẫn thật giả, sạch bẩn lẫn lộn. Hệ quả nhãn tiền là mỗi năm lại có hàng trăm người phải vào viện cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm. Con số thống kê giai đoạn 2001-2005 cho thấy đã có 988 vụ ngộ độc với 23.190 người mắc và 263 người chết. Tất nhiên trên thực tế, những con số ngoài báo cáo sẽ còn cao hơn nhiều.

  • Cơ quan quản lý: bất lực?

Từ trước tới nay, dư luận trong nước đã cảnh báo việc chất bảo quản tươi trong các loại quả nhập khẩu từ Trung Quốc luôn cao hơn mức cho phép. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra được các kết luận chính xác, người tiêu dùng luôn phải hoang mang, vừa ăn vừa sợ.

Có một thực tế rất vô lý là trong khi người dân vẫn hàng ngày phải ăn những thực phẩm không bảo đảm ATVSTP thì các cơ quan quản lý lại “bận” hội ý với nhau.Theo quy định tại Pháp lệnh VSATTP và Nghị định 163 của Chính phủ, lực lượng quản lý nhà nước về vấn đề VSATTP rất hùng hậu.

Bộ Thương mại, Bộ KH-CN cùng quản lý chất lượng hàng hóa; Bộ Y tế quản lý điều kiện vệ sinh thực phẩm tại cơ sở sản xuất và tiêu chuẩn sản phẩm cuối cùng; Bộ NN-PTNT quản lý chất lượng và vệ sinh đối với lương thực, thực phẩm thô trong suốt công đoạn trồng trọt, chăn nuôi và kiểm dịch; Bộ Thủy sản quản lý toàn bộ về chất lượng và vệ sinh của mọi loại hình kinh doanh sản phẩm thủy sản.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng cấp đăng ký và chứng nhận, Cục ATVSTP, Bộ Y tế thì trên thực tế, các bộ vẫn chưa thống nhất được quan điểm về phân công và trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa thực phẩm.

Thiết nghĩ, trong khi chờ người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng nâng cao ý thức về ATVSTP, các cơ quan chức năng cần có được biện pháp hữu hiệu, ít nhất là tiến tới thành lập một bộ máy thanh tra chuyên ngành về VSATTP để là đầu mối giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực này, tránh tình trạng bộ này chỉ sang bộ kia khi sự cố xảy ra - như đề xuất của ông Hoàng Ngọc Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế Quảng Ninh.

QUANG PHƯƠNG

TPHCM: Trên 20% mẫu thực phẩm không đạt chất lượng

Ngày 10-3, theo kết quả thống kê nhanh của Thanh tra Sở Y tế, kết thúc đợt thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) lần 1-2006 tại 922 cơ sở, phát hiện 240 cơ sở vi phạm. Sở Y tế lập biên bản xử phạt hành chính 204 cơ sở với số tiền trên 623 triệu đồng. Địa phương phát hiện vi phạm cao là các quận 2, 10, Tân Phú, Phú Nhuận và Thủ Đức.

Đặc biệt, ngoài việc xử lý các cơ sở sản xuất, Thanh tra Sở Y tế còn xử phạt hành chính nhiều siêu thị kinh doanh thực phẩm nhiễm hóa chất, phẩm màu. Trong số 49 mẫu thực phẩm nghi ngờ gởi xét nghiệm, có đến 20,4% mẫu không đạt chất lượng. Hóa chất được sử dụng trong thực phẩm nhiều nhất là hàn the (34,6%) và đường hóa học.

Tin cùng chuyên mục