Tính đến ngày 15-6, TPHCM đã cơ bản hoàn thành công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thuộc đối tượng theo Luật Phòng chống tham nhũng và Nghị định 37 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập. Kết quả cho thấy đã không phát hiện được trường hợp nào bất minh về tài sản và thu nhập. Điều này có đúng với thực tế? Và chủ trương kê khai tài sản, thu nhập có phòng ngừa và ngăn chặn được tiêu cực, tham nhũng trong cán bộ, công chức?
Chủ yếu dựa vào sự tự giác
Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM vừa đưa ra xử lý kỷ luật một cán bộ lãnh đạo cấp phòng vì đã ký quyết định cấp phép thành lập doanh nghiệp (DN) cho một cán bộ đang tại chức. Điều đáng nói là DN này lại được phép kinh doanh ngành nghề thuộc lĩnh vực người cán bộ đó đang quản lý. “Việc làm trái quy định này có ai biết không?”. Câu trả lời là: “Có biết”. Thậm chí có cán bộ thẩm định cấp phép của sở còn 2 lần ra văn bản yêu cầu dừng lại, nhưng giấy phép thành lập DN vẫn được cấp. Vụ việc chỉ bị phát hiện khi DN của vị cán bộ này có liên quan đến một vụ thanh tra sai phạm về quản lý đất đai tại Khu Công nghệ cao do Thanh tra Chính phủ tiến hành.
Vụ việc trên chưa phải là điển hình của tình trạng hiện nay có nhiều cán bộ, công chức đang tại chức đứng ra thành lập các “công ty sân sau”. Năm 2007 được cho là năm “chảy máu” cán bộ, công chức nhiều nhất, với hơn 2.000 trường hợp, trong đó có không ít cán bộ xin nghỉ việc để quản lý DN của gia đình mình đang hoạt động. Làm sao để biết cán bộ nào có cơ sở kinh doanh, có DN hoạt động khi đang tại chức? “Dựa vào sự tự giác là chính” – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng, chống tham nhũng Huỳnh Thiên Phúc, nói.
Điều này thể hiện qua Nghị định 37, nêu: “Người có nghĩa vụ kê khai phải tự kê khai và tự chịu trách nhiệm về nội dung và sự trung thực của việc kê khai”. Trên thực tế, quy định này tác dụng rất thấp vì có rất ít cán bộ, công chức tự giác khai mình đang có cơ sở kinh doanh, hoặc “DN gia đình” khi đang tại chức. Để “siết” lại tình trạng này, Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng, chống tham nhũng vừa có văn bản chỉ đạo các quận huyện, sở ngành rà soát lại việc cấp phép kinh doanh và thành lập DN để phát hiện cán bộ, công chức sai phạm. Theo ông Phúc, sau hơn 1 tháng thực hiện chủ trương này, các cơ quan chức năng đã nhận được nhiều đơn thư tố cáo liên quan đến sự bất minh về tài sản, thu nhập của một số cán bộ, công chức. Sắp tới, Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng, chống tham nhũng sẽ kiến nghị thành lập một bộ phận chuyên về xác minh nguồn gốc tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức khi có nghi vấn cán bộ, công chức đó có tài sản, thu nhập bất minh.
Xử lý nghiêm cán bộ, công chức sai phạm
Chủ trương kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực như thế nào? Phó Chánh Thanh tra TP Hoàng Đức Long cho biết, do việc kê khai tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức mới được triển khai từ quý 1-2008 và đến nay mới cơ bản hoàn thành. Các cơ quan có trách nhiệm chưa nhận được yêu cầu xác minh và cũng chưa có đơn tố cáo nào liên quan đến tiêu cực từ chủ trương kê khai tài sản, thu nhập này. Tuy nhiên, ông khẳng định: “Chủ trương kê khai tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức sẽ có tác dụng rất lớn đến việc phòng ngừa và ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực. Tới đây, Thanh tra TP sẽ đẩy mạnh công tác nắm tình hình và kiểm tra, xác minh một số trường hợp nghi vấn có tài sản và thu nhập bất minh để xử lý nghiêm theo pháp luật”.
Về hình thức kỷ luật, ông Long dẫn Điều 33 của Nghị định 37 đã quy định khá rõ. Theo đó, cán bộ, công chức nào bị kết luận không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý một trong các hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch. Cũng theo ông Long, mặc dù yêu cầu của việc kê khai tài sản, thu nhập chủ yếu dựa vào sự tự giác của cán bộ, công chức. Thế nhưng luật cũng quy định rất rõ, nếu phát hiện cán bộ, công chức có biểu hiện bất minh về tài sản và thu nhập thì không cần phải có đơn tố cáo, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc kiểm tra, xác minh ngay. Khi xác minh, cơ quan có trách nhiệm sẽ đối chiếu thông tin tại bản kê khai với tài sản, thu nhập thực tế của người cần xác minh. Vì vậy, cán bộ, công chức mà không tự giác và không trung thực thì phải bị xử lý kỷ luật nghiêm. Ông nói “Việc xử lý như thế là đã có lý có tình rồi”…
Hoài Nam