Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ đạt 6,9% trong năm 2015 - mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua - đã khiến Chính phủ Trung Quốc phải tuyên bố sẽ sa thải hơn 1,8 triệu công nhân trong ngành khai thác than và luyện thép nhằm khắc phục tình trạng khủng hoảng thừa.
Đây là lần đầu tiên, Trung Quốc tiết lộ các con số lao động bị sa thải để đối phó với tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm và bộ máy nhân viên tăng quá mức. Theo Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Yin Weimin, trong vòng 3-5 năm tới, nước sản xuất thép và than lớn nhất thế giới này dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 500 triệu tấn sản lượng than và tạm dừng nhiều dự án nhằm đối phó với tình trạng dư thừa sản lượng như hiện nay. Cuối năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh cho biết sẽ không cấp giấy phép cho các mỏ than mới trong vòng 3 năm tới, đồng thời sẽ đóng cửa trên 1.000 mỏ than trong năm 2016, tương đương với giảm sản lượng 60 triệu tấn than. Ngoài ra, chính phủ cũng có kế hoạch nâng tuổi về hưu trong năm 2016 do nước này đang phải đối đầu với áp lực ngày càng tăng từ số dân có tuổi thọ cao.
Mặc dù chính phủ cam kết phân bổ 15,3 tỷ USD (100 tỷ NDT) trong vòng 2 năm để đền bù cho các công nhân thất nghiệp, nhưng từ nửa năm nay, rất nhiều công nhân như ông Li Jiuxian, người thợ mỏ 51 tuổi, đã không có việc làm và không được trả một xu nào. Chỉ trong 5 năm, kể từ năm 2011 đến nay, giá than giảm 50% khiến nhiều gia đình như ông Li, từ tầng lớp trung lưu đã rơi vào tình cảnh bần cùng, nghèo đói. Tuần trước, hàng ngàn thợ mỏ đã xuống đường biểu tình ở thị trấn Shuangyashan đã đẩy tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc đến bờ vực bất ổn và cho thấy những khó khăn chồng chất trong kế hoạch chuyển đổi của Trung Quốc. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc nói sự sa thải này chỉ là ngắn hạn bởi họ sẽ đào tạo và tuyển dụng lại 1,8 triệu công nhân này, nhưng chi tiết về việc bố trí việc làm cụ thể cho những đối tượng bị sa thải vẫn chưa được công bố. Đó là chưa kể số công nhân bị các công ty tư nhân sa thải là không thể thống kê.
Các nhà phân tích cho biết cũng chưa rõ chính phủ giữ được lời hứa trong bao lâu. Theo nhà phân tích Jenny Huang của hãng Fitch Ratings, chỉ riêng Công ty Longmay thuộc sở hữu nhà nước có khoản lương phải trả hàng năm ước tính 1,5 tỷ USD, sẽ là gánh nặng khổng lồ cho chính quyền tỉnh Hắc Long Giang.
Trong cuộc họp báo mới tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vẫn khẳng định quyết tâm của chính phủ chi 15 tỷ USD để thúc đẩy cắt giảm việc và hỗ trợ công nhân bị sa thải để tìm việc làm mới. Nhưng ở Khu công nghiệp Đông Bắc Trung Quốc không giống các trung tâm sản xuất phía Nam với tỷ lệ sa thải và tuyển dụng lại công nhân khá cao. Cơ hội cho những thợ mỏ trung niên và lớn tuổi bị giới hạn tại một tỉnh - nơi mà nền kinh tế đã thực sự tăng trưởng quá chậm và thậm chí gần như bằng 0 trong thời gian qua. Trung Quốc đã từng sa thải khoảng 30 triệu công nhân trong lĩnh vực nhà nước vào cuối những năm 1990 đầu những năm 2000 với rất ít tác động tới sự ổn định xã hội. Tuy nhiên, lần này nền kinh tế đang phát triển chậm sẽ ít có cơ hội tuyển dụng trở lại và Chính phủ Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều khó khăn phía trước.
HẠNH CHI