Kích hoạt bán hàng online hỗ trợ người dân phòng dịch

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hệ thống bán lẻ và doanh nghiệp (DN) đã kích hoạt hệ thống bán hàng online hoặc bán hàng qua điện thoại. Đồng thời tăng công suất sản xuất kết hợp tăng lượng dự trữ tồn kho, nhằm tránh tình trạng thiếu hụt hàng hóa. 
Hệ thống bán lẻ duy trì nguồn cung ứng hàng hóa dồi dào, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cho người dân
Hệ thống bán lẻ duy trì nguồn cung ứng hàng hóa dồi dào, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cho người dân

Linh hoạt giải pháp bán hàng lưu động

Thông tin từ Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, đơn vị này đã tăng tỷ lệ dự trữ đối với một số mặt hàng như gạo, mì tôm, nước tinh khiết, đồ hộp, sữa, gel rửa tay, khẩu trang vải, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa… Trong nhóm này, các mặt hàng đặc thù dành riêng cho phòng chống bệnh về đường hô hấp như gel rửa tay, khẩu trang… được đặc biệt chú trọng và luôn sẵn sàng tăng cường cho các điểm bán. Không chỉ vậy, thời gian hoạt động của toàn bộ hơn 800 điểm bán của Saigon Co.op tiếp tục được đảm bảo, một số nơi còn linh hoạt chỉ đóng cửa cho đến khi người khách cuối cùng mua sắm xong. Các cửa hàng tiện lợi Cheers thì hoạt động cả ngày trong tuần. Tuần trước, Saigon Co.op cũng đã tung ra thị trường 12 triệu khẩu trang kháng khuẩn nhằm góp phần bình ổn thị trường, giúp người dân tăng cường hiệu quả phòng chống dịch. 

Ở góc độ khác, ngoài hoạt động tăng tỷ lệ hàng dự trữ, mở thời gian bán hàng linh hoạt thì để đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu dùng của người dân, các hệ thống bán lẻ, DN còn tăng tính tiện lợi khi triển khai hàng loạt giải pháp bán hàng online và giao hàng tận nơi. Đơn cử, hệ thống Lotte Mart duy trì nền tảng đặt hàng online qua app speed L hoặc vào trang website bachhoaxanh.com… để lên đơn hàng. Theo đó, người tiêu dùng chỉ cần vài thao tác lựa chọn đơn giản trên điện thoại, đơn hàng sẽ được đặt giao theo đúng thời gian mà khách hàng yêu cầu. Việc thanh toán cũng linh hoạt theo hình thức trả qua online hoặc trả tiền mặt. Riêng với những người tiêu dùng vốn không thông thuộc công nghệ thông minh, có thể chọn hình thức thủ công là gọi điện thoại đến tổng đài của hệ thống Co.opmart để được hỗ trợ. 

Chị Nguyễn Thị Hoàng Anh (ngụ quốc lộ 50, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) chia sẻ, chị vốn không rành sử dụng phần mềm trên điện thoại thông minh, nhưng chỉ cần gọi điện thoại đến tổng đài của hệ thống Co.opmart là ngay lập tức có nhân viên tư vấn hỗ trợ chọn và mua hàng. Đặc biệt, chị có thể chọn thời gian giao hàng nên rất tiện lợi. Quan trọng hơn là việc mua hàng online giúp hạn chế ra khỏi nhà, góp phần phòng chống Covid-19 cho gia đình và cộng đồng. 

Liên quan đến vấn đề này, đại diện hệ thống siêu thị cho biết thêm, người tiêu dùng vốn đã có kinh nghiệm trong đợt chống dịch lần trước nên không còn tình trạng mua hàng dự trữ nhiều. Về phía DN, hệ thống bán lẻ cũng luôn trong tình trạng sẵn sàng cung ứng đầy đủ hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu. 

Mở rộng nguồn hàng và mạng lưới cung ứng 

Ghi nhận tình hình tuần qua, đại diện Saigon Co.op cho biết, kênh mua sắm qua điện thoại, qua wesbite thương mại điện tử của Saigon Co.op cũng đón tiếp hàng triệu lượt tương tác mỗi ngày. Đơn hàng thông qua kênh giao dịch trực tuyến này tăng gấp 10 lần so với ngày bình thường. Còn tại điểm bán hàng trực tiếp hệ thống Saigon Co.op rất thoải mái và an toàn. Người dân không quá lo lắng, mua đồ dự trữ với khối lượng lớn như trước đây mà chỉ mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, hiện thành phố có hệ thống phân phối dày đặc với 238 chợ, 217 siêu thị, 45 trung tâm thương mại, 2.669 cửa hàng tiện lợi. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, để vực dậy ngành bán lẻ, các hệ thống phân phối hiện đại tại thành phố đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại, đồng thời kích cầu mua bán hàng hóa qua các kênh như điện thoại, đặt hàng qua website, apps và hỗ trợ các chính sách giao hàng. Sự thay đổi kịp thời về phương thức bán hàng đã góp phần giúp các DN cải thiện được doanh thu. Sự chủ động và thích ứng nhanh của các đơn vị bán lẻ đã và đang tạo hiệu ứng tốt cho thị trường bán lẻ, góp phần cải thiện doanh số, kéo người tiêu dùng trở lại.
 
Đồng thuận với quan điểm trên, về phía Bộ Công thương nhấn mạnh, thời gian xảy ra dịch Covid-19, nguồn cung hàng hóa được các địa phương, DN chuẩn bị tốt nên khá dồi dào, đa dạng. Chương trình bình ổn thị trường được nhiều địa phương triển khai tốt nên giá hàng hóa không có biến động lớn. Vào tháng 3 và tháng 4 có xảy ra hiện tượng cầu tăng đột biến trong một vài thời điểm, tuy nhiên, Bộ Công thương đã kịp thời chỉ đạo các DN, sở công thương trên địa bàn gia tăng nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu, đồng thời phối hợp với cơ quan truyền thông để ổn định tâm lý người dân, vì vậy thị trường đã nhanh chóng ổn định trở lại. Trên thực tế, nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị luôn được dự trữ tăng lên nhiều lần so với ngày thường, giá cả ổn định. 

Tin cùng chuyên mục