Kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Số hóa để xác định tiêu chuẩn, tiêu chí chính xác, minh bạch

Bộ GD-ĐT đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống phần mềm bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học (GDĐH). Đồng thời, trong quý 2-2023, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy chế và các bên liên quan triển khai đồng bộ thực hiện việc khai báo cơ sở dữ liệu lên hệ thống phần mềm. Từ đó, việc xác định từng tiêu chuẩn, tiêu chí sẽ nhanh, chính xác hơn.
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí Trường ĐH Công nghiệp TPHCM học thực hành tại phòng thí nghiệm
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí Trường ĐH Công nghiệp TPHCM học thực hành tại phòng thí nghiệm

Hội nhập với kiểm định quốc tế

Đánh giá về công tác kiểm định chất lượng GDĐH trong thời gian qua, PGS-TS Huỳnh Văn Chương (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT) nhận định: Từ khi ban hành Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH năm 2017, đến nay đã có 87 cơ sở GDĐH được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và được cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục. Hiện chưa có cơ sở giáo dục nào bị thu hồi giấy chứng nhận kiểm định chất lượng.

Có thể nhìn nhận chung, sau thời gian triển khai, thực hiện công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, đến nay phần lớn các cơ sở GDĐH đã có được sự nhận thức đầy đủ, đúng đắn về mục đích, tác dụng của công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng GDĐH. Cách thực hiện công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng GDĐH mang tính chất đối phó cũng giảm đi rất nhiều.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, trong 5 năm gần đây, công tác kiểm định chất lượng (cấp chương trình và cấp cơ sở đào tạo - cấp trường) đã được các trường quan tâm. Công tác kiểm định là vấn đề sống còn của các cơ sở GDĐH. Cơ sở nào làm một cách nghiêm túc, xây dựng được văn hóa chất lượng thì cơ sở ấy có những bước chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao chất lượng đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học. Điều này được minh chứng qua việc có nhiều chương trình đào tạo được xếp hạng 100-500 chương trình tốt nhất của châu lục, một số cơ sở đào tạo cũng xuất hiện trên các bảng xếp hạng uy tín của thế giới.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), cũng xác nhận, là thành viên chính thức của AUN (Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á) từ năm 1999, ĐH Quốc gia TPHCM đã thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong phong trào đảm bảo chất lượng chung của khu vực, tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn của AUN, như xây dựng tài liệu đảm bảo chất lượng, tham gia khóa đào tạo kiểm định viên… Trong đó, công tác đánh giá chất lượng cấp chương trình được ĐH Quốc gia TPHCM đặc biệt quan tâm.

Đây là hình thức mà AUN sử dụng để nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau về chất lượng đào tạo giữa các thành viên trong khu vực, cũng như với các đối tác trên thế giới, từng bước thúc đẩy sự công nhận thành quả học tập và phát triển hợp tác giữa các trường đại học trong khối. Nhờ đó mà hiện nay, ĐH Quốc gia TPHCM dẫn đầu cả nước về các chương trình đào tạo đạt chuẩn trong nước và quốc tế và cả 7 trường đại học thành viên đều được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế.

Chuyển đổi số trong công tác kiểm định

Là người tham gia từ những ngày đầu của công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH, GS-TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), chia sẻ: Nghịch lý của công tác kiểm định chất lượng hiện nay là nhiều tiêu chí cốt lõi thì không đạt, nhưng nhiều tiêu chí không cốt lõi lại đạt. Điều này một phần do các kiểm định viên quá ít kinh nghiệm, thiếu quyết đoán và xử lý theo kiểu “tình thương mến thương”!

Đại diện một trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tại TPHCM cũng cho biết, trong công tác kiểm định hiện nay tồn tại nhiều vấn đề nhạy cảm, như: trung tâm A kiểm định không đạt nhưng đến trung tâm B kiểm định lại đạt; nhiều kiểm định viên còn “vòi” tiền và nhũng nhiễu các cơ sở... Những biểu hiện này một phần là do một số trung tâm kiểm định quá dễ dãi và kiểm định viên thiếu các quy định ràng buộc dẫn đến lạm quyền.

Vừa qua, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư quy định tiêu chuẩn, đạo đức và năng lực của kiểm định viên GDĐH. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho công tác xây dựng văn hóa chất lượng GDĐH. Phần còn lại là các trung tâm kiểm định và các cơ sở đào tạo phải thật sự xem chất lượng là vấn đề sống còn, chứ không phải làm theo kiểu đối phó.

Theo PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát hoạt động đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng, như xây dựng phần mềm quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm định chất lượng để giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác đảm bảo chất lượng. Trong đó có việc “kiểm định của kiểm định”, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi chính sách bảo đảm và kiểm định chất lượng của cơ sở đào tạo; giám sát và đánh giá hoạt động của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo đúng quy định của pháp luật để công tác kiểm định đi vào thực chất.

TS Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, nêu ý kiến: Cần phải số hóa công tác kiểm định chất lượng. Thực tế cho thấy, hồ sơ minh chứng hiện được làm thủ công với một bộ hồ sơ đồ sộ, tốn rất nhiều thời gian. Để tinh gọn và dễ dàng hơn, nên số hóa bằng cơ sở dữ liệu, tích hợp. Hiện công tác kiểm định theo tiêu chí của chương trình cũ, nhưng chương trình đào tạo hiện nay phải thay đổi theo chuẩn chương trình đào tạo mà Bộ GD-ĐT xây dựng ban hành. Cùng với đó, các văn bản, quy định về công tác đảm bảo, kiểm định chất lượng cần liên tục cập nhật và đổi mới cho phù hợp; bởi công tác đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng phải liên tục cập nhật và cải tiến cho phù hợp với thực tế.

Tin cùng chuyên mục